Khởi nghiệp từ đống giấy loại bởi một lời hứa
Tốt nghiệp cấp 3, Khởi theo học khoa biên kịch Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội, ra trường em lăn lộn với đủ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp người mẹ tật nguyền ở quê nhà. Sau những tháng ngày nỗ lực không biết mệt mỏi, không nản chí giữa thủ đô đầy bon chen cũng đến lúc sự nổ lực của cô gái được đền đáp, Khởi được nhận vào làm biên kịch cho một hãng phim tư nhân với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Ở tuổi của Khởi, con số này là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhưng rồi, Khởi đi đến một quyết định táo bạo và bị nhiều người bảo là gàn giở, đó là về quê làm sách giáo dục dành cho trẻ em.
Khởi tỉ mỉ cắt dán những cuốn sách hoàn toàn bằng thủ công. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ với Dân Việt, Lê Thị Khởi cho biết: “ Không phải tự nhiên mà em bỏ hết tất cả để trở về khởi nghiệp từ đống phế liệu như mọi người vẫn nói đâu chị ạ. Thực ra em ấp ủ ý định này từ lâu lắm rồi, hơn nữa thời điểm đó mẹ em cũng vừa mổ khối u cần người chăm sóc nên em quyết định trở về. Em triển khai dự án này cũng vì lời hứa với một người bạn khuyết tật cùng xóm từ những ngày thơ ấu chị ạ. Cuộc sống vất vả ở thành phố cuốn em vào vòng quay cơm áo. Mải mê kiếm tiền nuôi sống bản thân, gửi về cho mẹ ở quê khiến lời hứa năm nào cứ bị lần lữa chưa thực hiện được”
“Đến thời điểm này mới thực hiện lời hứa là không còn sớm nữa, nhưng may mà vẫn kịp. Ngày em về để bắt tay triển khai vào dự án trong tay em không có một đồng nào, em phải xin mẹ bán một mảnh đất nhỏ để lấy vốn lập nghiệp, ai cũng bảo em quá mạo hiểm, ngăn cản em, thậm chí nói em bị… điên rồ, nhiều người giành cho em những cái nhìn ái ngại, dè bỉu, bảo em mơ mộng hảo huyền. Chỉ có mẹ là vẫn ủng hộ em từ trước đến nay” Khởi trầm ngâm chia sẻ
Những cuốn sách giáo dục bằng tiếng Anh được làm hoàn toàn thủ công, trình bày đẹp mắt. Ảnh: Mỹ Hà
Trong xóm Khởi có gia đình có tới 4 người con bị di chứng chất độc màu da cam không có khả năng lao động, từ nhỏ đến lớn hai bác hàng xóm cứ đặt các con ra thềm rồi đưa kéo, bút màu, giấy để 4 người cắt, dán rồi chơi với nhau. Ngày bé Khởi vẫn thường qua lại chuyện trò với các bạn. 4 con người tội nghiệp cứ ngồi trên thềm, vẽ rồi cắt vụn từng tờ giấy như thế cho đến khi lần lượt qua đời. Những hình ảnh đó đã ám ảnh Khởi đến tận bây giờ để Khởi ấp ủ và cho ra đời dự án mà những người khuyết tật có thể tham gia lao động và kiếm sống.
Nhìn Khởi của hôm nay ít ai biết rằng cô gái này đã từng mang bệnh tim bẩm sinh trong người, đã từng trải qua những ca phẫu thuật sinh tử. Bản thân cuộc đời của cô gái trẻ Lê Thị Khởi cho đến lúc này cũng là một tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống để học tập, chiến đấu với bệnh tật và làm đủ mọi nghề kiếm sống. Sinh ra không có bố bên cạnh, người mẹ tật nguyền nấu kẹo lạc nuôi con gái mắc bệnh tim bẩm sinh đi học. Cô gái nhỏ vượt qua những cơn đau, những lần ngất xỉu liên tiếp để đến lớp. Năm 2013, trải qua cuộc phẫu thuật sinh tử giành giật sự sống với tử thần, cuối cùng cô gái đã khỏi bệnh.
Biến rác thành những cuốn truyện hay
Ngôi nhà nhỏ nằm ở rìa làng Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cũng chính là xưởng xuất bản sách thủ công của Lê Thị Khởi. Mảnh sân nhỏ trước nhà Khởi chất đầy những đống giấy lộn đủ màu sắc được phân loại xếp gọn gàng cao ngồn ngộn. 3 người, 2 già 1 trẻ cắm cúi cắt cắt, vẽ vẽ, rồi cắm cúi dán lại thành từng cuốn sách. Những vỏ hộp bánh, tờ báo in màu, tờ rơi quảng cáo tưởng vứt đi không còn sử dụng được nữa thì khi đi qua ý tưởng của Lê Thị Khởi và bàn tay khéo léo của 3 người làm công đã trở thành những cuốn sách truyện, sách giáo dục dành cho trẻ em thật đẹp, thật đa dạng.
Xưởng sản xuất của Khởi hiện tạo việc làm cho 3 lao động, trong đó có 2 người khuyết tật. Ảnh: Mỹ Hà
Khi được PV hỏi vì sao em lại có ý tưởng sử dụng lại nguồn giấy loại, rác thải ? Khởi hào hứng chia sẻ về dự án của mình: “ Em bị ám ảnh bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường, về những loại rác thải có thể tái chế nhưng chưa được tận dụng. Dự án của em nhằm hướng tới 3 mục tiêu chính là làm giảm lượng rác thải vào môi trường, qua đó giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công ăn việc làm, cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ”.
Những ngày đầu “khởi nghiệp” gặp muôn vàn khó khăn. Không kể đến sự phản đối của mọi người về dự án đầy rủi ro này, việc huy động vốn là một trở lại lớn. Sau khi nghỉ việc tại Hà Nội Khởi có tích lũy được một khoản tiền nhưng thời điểm đó, mẹ của em nhập viện trải qua 3 lần phẫu thuật đã tiêu sạch số vốn dự tính dành cho khởi nghiệp của cô gái. Vay tiền ngân hàng nhưng chẳng ai dám tin vào dự án “viển vông” ấy nên cũng chẳng dám cho vay. Khởi xin mẹ bán một phần đất vườn để lấy vốn triển khai dự án của mình.
“Nói thật khi nghe con xin bán đất tôi lo lắm. Nó nói về chuyện làm sách gì đó tôi cũng không hiểu lắm nhưng nhà có mỗi mình nó, mình làm mẹ phải ủng hộ con thôi. Chỉ cần nhìn thấy con được vui vẻ và thực hiện được ý nguyện dù thành công hay là thất bại thì người làm mẹ như tôi cũng bằng lòng cô ạ”, bà Lê Thị Khuyên (SN 1951) kể.
Sau khi có vốn có sự ủng hộ của mẹ, Khởi bắt tay vào hiện thực hóa giấc mơ của mình. Sách của Khởi hoàn toàn làm bằng thủ công nên chi phí mua sắm máy móc không quá lớn, vấn đề quan trọng nhất là nội dung và trình bày. Trước hết, Khởi sản xuất sách giúp các bé làm quen với chữ cái và số đếm, các vật dụng hay phương tiện giao thông những thứ gần gũi với các em nhỏ.
Các cuốn sách của Khởi được trình bày bằng tiếng Anh kèm theo minh họa là những hình ảnh được cắt từ các loại giấy phế liệu. Ảnh: Mỹ Hà
Phần ý tưởng, lên nội dung, trình bày do Khởi trực tiếp làm. Phần kẻ vẽ, tạo hình sách, tìm và cắt dán các hình minh họa do các công nhân đảm trách. Công nhân của Khởi là ông Lê Văn Trung (SN 1968) và ông Phạm Xuân Thái (SN 1952), hai người khuyết tật ở trong xóm.
Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Trung- công nhân của “xưởng” nói: “ Sau 2 tháng được cô Khởi cầm tay chỉ việc thì hiện tại chúng tôi làm khá ổn, công việc vừa sức không khó lắm. Mỗi tháng Khởi trả lương 1 triệu đồng có thêm thu nhập phụ gia đình tôi vui lắm. Trước đây nhìn thấy giấy loại thì bước qua chứ giờ là phải nhặt, vuốt phẳng phiu rồi mang đến đây để “góp”cho Khởi làm sách cho các cháu học”, ông Trung tâm sự.
Ngoài hai lao động này, hiện Khởi đang hợp đồng với chị Trần Thị Huế (SN 1991) với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ của chị Huế là chọn hình ảnh phù hợp với nội dung từng cuốn, cắt và dán vào từng trang sách.
Bên cạnh chú trọng nội dung sách, Khởi còn lồng ghép các thông điệp về bảo vệ môi trường vào bìa cuối mỗi cuốn. Dù sách chưa đến được với các em nhỏ nhưng thành công lớn của chương trình này là đã góp phần thay đổi nhận thức của chính những người dân trong xóm. Thương Khởi và cũng nhận thức được giá trị của những thứ vốn được xem là đồ bỏ đi, người dân trong xóm đã hình thành thói quen phân loại rác, dành những thứ có thể tái chế mang sang xưởng ủng hộ dự án của cô gái này.
Theo kế hoạch Khởi sẽ sản xuất 20 đầu sách với số lượng 1.000 cuốn. Khi đã đủ số lượng như dự tính Khởi sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để tổ chức các cuộc triển lãm, các chiến dịch truyền thông để giới thiệu đến khách hàng. Khó khăn vẫn còn nhiều nhưng Khởi tin vào mình, tin vào thị hiếu và trí tuệ của khách hàng và mong muốn những cuốn sách từ vật liệu tái chế sẽ được các bậc phụ huynh đón nhận và trang bị cho con em mình.
Mới đây, Tỉnh đoàn Nghệ An đã trích 50 triệu từ Quỹ Hỗ trợ Thanh niên lập nghiệp cho Lê Thị Khởi vay với lãi suất thấp để thực hiện dự án này.
Theo Mỹ Hà (Danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã