Nhận thức rõ đây là một đề án hoàn toàn mới đối với huyện từ các bước đăng ký ý tưởng sản phẩm đến xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và xúc tiến thương mại, bán hàng... cấp uỷ và chính quyền của huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Điều hành OCOP tỉnh. Đồng thời, xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu rõ vai trò, vị trí chủ thể của mình khi tham gia thực hiện chương trình phải là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Để cụ thể hoá giải pháp trên, ngay sau khi Ban Điều hành đề án OCOP của tỉnh họp phiên lần thứ nhất vào ngày 11-3, ngày 15-3 huyện Đông Triều đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016. Tại hội nghị, 250 đại biểu là lãnh đạo UBND huyện, bí thư, chủ tịch, trưởng thôn của 21 xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại trên địa bàn, những thành phần “nòng cốt” trong việc triển khai chương trình OCOP đều được yêu cầu có mặt đầy đủ.
Hội viên Hội Nông dân xã Việt Dân chăm sóc cây na - một trong những cây ăn quả chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao đã được xây dựng thương hiệu và dự kiến sẽ đưa vào chương trình OCOP trong thời gian tới. |
Để hội nghị đạt được hiệu quả tốt nhất, huyện Đông triều đã mời PGS.TS Trần Văn Ơn (Đại học Dược Hà Nội) là chuyên gia tư vấn của chương trình giới thiệu tổng thể, các bước triển khai, mục đích của chương trình OCOP và chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trong khu vực, giúp mọi người có một cái nhìn rõ nét hơn về chương trình. Cũng tại hội nghị, UBND huyện đã công bố quyết định thành lập Ban Điều hành OCOP huyện Đông Triều và kế hoạch triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2013-2016. Nhờ đó Đông Triều trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thiện tổ chức bộ máy của Ban Điều hành các cấp.
Tiếp đó, huyện đã tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá thực trạng các sản phẩm, dịch vụ truyền thống của địa phương, đồng thời phân tích thị trường phát triển của sản phẩm khi tham gia chương trình. Sau khi rà soát, huyện Đông Triều đã xác định sẽ tập trung phát triển ít nhất 7 sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới để thực hiện tái cấu trúc sản phẩm là: Gốm mỏng, cốm nếp cái hoa vàng, nước suối thiên nhiên Yên Tử, trà Phật Hoàng... Đây đều là những sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của huyện, đặc biệt phần lớn các sản phẩm trên đều là của nhóm hộ, HTX sản xuất.
Theo đánh giá của Ban Điều hành OCOP tỉnh, đây sẽ là yếu tố vô cùng thuận lợi, giúp Đông Triều bảo đảm được tiến độ theo kế hoạch. Bởi lẽ, một trong những yêu cầu đặt ra của chương trình OCOP là sau khi đăng ký ý tưởng sản phẩm thì cần phải hình thành các tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu các tổ chức đã có để phát triển và thương mại hoá sản phẩm đó. Đơn cử như sản phẩm nếp cái hoa vàng, ngay từ tháng 6-2012 Hội sản xuất và kinh doanh nếp cái hoa vàng Đông Triều đã được thành lập. Cho đến nay Hội đã có Ban Chấp hành và gần 700 hộ thành viên thuộc địa bàn 4 xã: Yên Đức, Nguyễn Huệ, Hồng Phong và Hoàng Quế. Có nghĩa là những hộ thành viên của Hội đã biết cách tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm (mẫu mã, mạng lưới, thương hiệu) và tiếp thị.
Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch triển khai chương trình trong thời gian tới, đồng chí Trần Văn Lập, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Điều hành OCOP huyện Đông Triều cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, 100% các xã đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình. Mặt khác, kinh phí thực hiện chương trình cũng đã được huyện linh hoạt lấy từ các nguồn xây dựng NTM, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các nguồn khác. Dự kiến sẽ có khoảng 5 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm và trên 22 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung đã được quy hoạch. Sau khi các sản phẩm đăng ký được tỉnh lựa chọn, huyện sẽ tập trung xây dựng các dự án thành phần cụ thể, hướng đến phát triển sản phẩm một cách hoàn thiện nhất như: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, định vị sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, maketing và bao bì đóng gói sản phẩm, đổi mới sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Như vậy, các bước cần thiết để triển khai chương trình đã được huyện Đông Triều thực hiện khá bài bản, mong rằng các địa phương khác cũng sớm có sự “bắt nhịp” và năng động trong cách làm, góp phần đưa chương trình “Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” đảm bảo được tiến độ và hiệu quả đặt ra.
Hoàng Nga
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã