Là hộ nghèo, không đất sản xuất, quanh năm chỉ sống nhờ vào thu nhập ít ỏi do làm thuê, làm mướn theo mùa vụ, nên việc chi tiêu sinh hoạt hằng ngày của gia đình anh Phan Văn Điền, ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ cũng hay rơi vào tình cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2010, thấy hoàn cảnh gia đình anh gặp khó khăn, bạn bè của anh Điền đã hướng dẫn cho anh nuôi ếch thịt. Không ngại khó, anh Điền đã mạnh dạn tận dụng khoảng 400 mét vuông đất sau nhà để làm bồn nuôi ếch. Do thiếu nguồn vốn và hạn chế về kinh nghiệm, nên lúc đầu anh chỉ nuôi một bồn, khoảng 35 mét vuông, nuôi được 2.000 con ếch. Sau hơn 3 tháng nuôi, trừ hết chi phí anh có lãi gần 2 triệu đồng. Bắt đầu đợt thứ hai trở đi, anh đã mở rộng diện tích nuôi thêm 1 bồn. Cứ thế mỗi năm gia đình anh nuôi được 4 đợt ếch, giá bán cũng dao động từ 26.000 – 35.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh có thêm nguồn thu nhập cả mười triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống gia đình. Anh Điền vui vẻ nói với chúng tôi: "Nhờ nuôi ếch theo từng đợt mà khoảng 3 tháng bán ếch là gia đình tôi có thu nhập. Chi phí sinh hoạt trong nhà của hai mẹ con tôi cũng không thắt ngặt như trước. Tôi đang phấn đấu để cuối năm nay thoát nghèo".
Cũng nhờ vào mô hình nuôi ếch thịt, nên khoảng 2 năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình ông Lê Thành Hải, ấp Thạnh Lợi 1, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ cũng từng bước được cải thiện. Ông Hải cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình ông rất chật vật vì gia đình thuộc diện cận nghèo. Hai vợ chồng ông làm thuê, làm mướn thu nhập một ngày chưa được 200 ngàn đồng, dù gia đình chỉ có 3 miệng ăn, nhưng cuộc sống gần như chỉ đắp đổi qua ngày. Năm 2010, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ anh em bạn bè, ông Hải đã bàn bạc với vợ, mượn tiền vốn để nuôi ếch. Nguồn vốn ít, nên vụ đầu tiên ông chỉ nuôi một bồn với 2.000 con. Sau 2 tháng rưỡi chăm sóc, ông có nguồn thu nhập từ con ếch 1,5 triệu đồng. Do còn ít kinh nghiệm nên một năm ông chỉ nuôi ếch 2 đợt nhưng nhờ thu nhập từ nuôi ếch và tiền công làm thuê của 2 vợ chồng ông đời sống của gia đình cũng từng bước được cải thiện. Ông Hải nói: "Nuôi ếch lời không nhiều, nhưng giúp cải thiện việc chi tiêu trong gia đình rất hiệu quả".
Để giảm chi phí trong chăn nuôi, năm 2011 ông Hải còn được bạn bè chia sẻ thêm kinh nghiệm nuôi ếch giống. Để ếch giống phát triển tốt và sinh sản nhiều, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, không phải đơn giản như nuôi ếch thịt. Bởi, đây là ếch nuôi với mục đích sinh sản nên yêu cầu cao về nguồn dinh dưỡng cung cấp cho ếch, nhất là cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Nhưng do hạn chế về kỹ thuật, nên trong năm đầu 50 con ếch giống của ông chỉ sinh sản hơn 2.000 con ếch con. Không nản lòng, ông Hải chịu khó học thêm kinh nghiệm và tự mày mò nghiên cứu phương thức để nhân giống ếch. Nhờ vậy, tay nghề của ông ngày càng được nâng cao, nên tỷ lệ sinh sản của ếch giống đạt cao, mỗi đợt sinh sản trên 15.000 con giống. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay 7 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, ông đã nhân rộng mô hình nuôi ếch của gia đình, đến nay nuôi được 9 bồn. Mỗi năm gia đình ông nuôi 3 đợt ếch, giúp cho gia đình có thêm thu nhập gần 60 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi ếch thịt không khó, kỹ thuật đòi hỏi cũng không cao, chi phí đầu tư tương đối thấp, có thể tận dụng diện tích đất xung quanh nhà, hay diện tích mặt nước sông là có thể nuôi được. Nhất là giải quyết việc làm tại chỗ, thời gian nhàn rỗi của các gia đình ít đất sản xuất. Nên khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi ếch thịt ở Cờ Đỏ không ngừng được nhân rộng và hiện đang có xu hướng tăng rất cao trong những năm tiếp theo. Theo thống kê của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, năm 2013, toàn huyện Cờ Đỏ đã thả nuôi trên 400.000 con ếch, nhưng chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, toàn huyện đã thả nuôi trên 900.000 con, tăng trên 500.000 con. Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Mô hình này trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều bà con nông dân có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Để duy trì và phát triển mô hình này, hiện nay ngành chuyên môn của huyện cũng cử cán bộ phối hợp địa phương rà soát số lượng đàn ếch nuôi. Tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, nhất là hướng dẫn cách phòng trị một số bệnh đối với ếch, hướng dẫn kỹ thuật lai tạo giống, để giảm chi phí đầu tư".
Trong những năm qua, mô hình nuôi ếch thật sự đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, mô hình không những giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân ít đất sản xuất có thêm việc làm, có nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, để mô hình thật sự có hiệu quả, thì đòi hỏi ngành chức năng cần tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, có những chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi, nhất là tìm đầu ra cho bà con, để bà con yên tâm hơn khi mô hình được nhân rộng, tránh được tình trạng cung vượt quá cầu.
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã