Hiệu quả của công nghệ
Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi ngành nông nghiệp thực hiện Đề án tái cơ cấu và sau Hội nghị Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, đã xuất hiện xu hướng nhiều DN tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm. Đó đang trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng/địa phương.
Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đang mang lại hiệu quả cao cho HTX Hoa Đào ở Sa Pa (Lào Cai) |
Tuy nhiên việc ứng dụng CNC vào sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản, thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp hiện diễn ra còn chậm, chưa đạt kết quả như mong muốn. Hiện nay, cả nước có 2 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC được Thủ tướng Chính phủ thành lập, 28 DN được công nhận là DN CNC đáp ứng các tiêu chí (quy định tại Luật CNC, Quyết định 69/2010/QĐ-TTg, Quyết định 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Thực tế là sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn bị tác động mạnh, thách thức của điều kiện ngoại cảnh. Các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất nông nghiệp. Trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của các DN vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH&CN và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa 3 nhà khoa học – DN – nông dân còn yếu và thiếu bền vững.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác & Phát triển nông thôn (PTNT) cho biết, hiệu quả của việc ứng dụng CNC trong sản xuất của các HTX là rất rõ ràng. Đơn cử như doanh thu của các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC của Hà Tĩnh đạt từ 2.000 - 5.000 triệu đồng, cao hơn so với mức bình quân của HTX nông nghiệp từ 950 - 1.200 triệu đồng.
HTX Hoa lan Huyền Thoại (TP. Hồ Chí Minh) áp dụng công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ tự động hóa đã kiểm soát được thời điểm thu hoạch hoa lan xuất khẩu, thu lãi năm 1.300 triệu đồng/năm. Nhiều HTX đã thành công mang lại nguồn thu nhập cao. Đây cũng chính là xu hướng cho ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao nhất.
Mạnh dạn áp dụng vào sản xuất
Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang có sự chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được xem là thế mạnh của nông nghiệp tỉnh.
Trong 2 năm trở lại đây, Lào Cai đã hợp tác cùng tỉnh Lâm Đồng trong chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nhằm khai thác những lợi thế khí hậu, đất đai của địa phương. Chỉ sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của Lào Cai đã thu được kết quả khả quan trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các vùng cây dược liệu.
Hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 1.230 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC (vượt gần 14% kế hoạch và tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh năm 2017 ước đạt 282,227 tỷ đồng, chiếm 5,7% tỷ trọng nông nghiệp và đạt 57% mục tiêu đến năm 2020 (8-10% tỷ trọng nội ngành nông nghiệp).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang hình thành và phát triển các vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC về sản xuất một số loại cây trồng chủ lực như rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới và chè với diện tích ước đạt hơn 1,2 nghìn ha.
Giá trị các loại sản phẩm ứng dụng CNC tại Lào Cai đã cho năng suất và thu nhập ổn định. Với diện tích sản xuất rau ứng dụng CNC đạt 282 ha thì bình quân mỗi héc ta cho doanh thu từ 448 triệu đồng đến 525 triệu đồng/ha/năm. Tương tự, doanh thu sản xuất hoa bình quân đạt 594 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hoa lily đạt 3-3,5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 600-800 triệu đồng/năm; hoa hồng đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm…
Tính đến thời điểm này đã có 38 DN, HTX đã và đang chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại tỉnh Lào Cai. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn cho rằng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, từng bước phát huy lợi thế đặc thù của từng huyện. Các HTX nông nghiệp hiện nay đã bắt đầu ứng dụng CNC vào trong sản xuất bước đầu đã đem lại lợi nhuận cao như HTX nông nghiệp Mai Anh, HTX rau an toàn Na Lang, HTX Nông nghiệp Xanh Sa Pa…
Công nghệ áp dụng của các HTX đã được triển khai như sử dụng giống mới, giống chất lượng có nguồn gốc xuất xứ, dùng màng phủ ni-lông, cơ giới hóa khâu làm đất, ứng dụng công nghệ nhà lưới trong trồng trọt… Bên cạnh đó 17 HTX trên địa bàn đã tham gia liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản như chè, dược liệu, rau, hoa…
Có thể thấy, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đang thu hút nhiều các DN tham gia đầu tư. Mục tiêu đến năm 2020, sẽ nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất nhờ ứng dụng CNC lên gấp 5 lần so với hiện nay, và thu nhập/đơn vị diện tích hay đơn vị sản phẩm tăng từ 1,5 lần hiện nay lên 3 lần so với sản phẩm thông thường (không áp dụng CNC).
Theo Nguyễn Minh/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã