Khu nuôi thả cá của anh Thuấn nằm dưới thung lũng, giữa vùng đất hoang vu, được bao bọc bởi núi đồi trùng điệp. Cạnh đó là con suối nước chảy hiền hòa, tưới mát cho những cánh đồng của bản Mầu và các bản lân cận.
Ngày anh Thuấn chuyển ra đây đào ao, thả cá, nhiều người bảo anh gàn dở. Ngay cả mẹ anh lúc đầu cũng kịch liệt phản đối, nhưng cuối cùng bà cũng phải mềm lòng trước sự cương quyết của anh.
Anh Thuấn hiện có hơn 3ha ao thả cá các loại: trắm cỏ, trôi, chép, rô phi
Năm 2015, anh bán nhà ở xã Thèn Sin (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) rồi mua hơn 4ha đất của người dân bản Mầu, xã Nậm Xe, bắt đầu công cuộc đào ao, thả cá.
Sau gần 1 năm cần mẫn đào đất, be bờ, xây kè xung quanh, cuối cùng 5 cái áo với tổng diện tích lên đến hơn 1ha cũng đã hoàn thiện trong niềm hân hoan của vợ chồng anh Thuấn. Năm 2016, anh mua cá giống các loại: trắm, trôi, chép, rô phi với số lượng lên đến hàng vạn con về thả ở các ao.
Hàng nghìn con cá nhao nhao lên mặt nước đớp thức ăn
Để cho chắc ăn, trước khi thả cá anh dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc cá qua báo, đài, mạng internet. Ngày ngày kiểm tra, cho ăn, nhìn đàn cá lớn dần theo thời gian, anh càng vững tin hơn với lựa chọn của mình.
“Vì ở cạnh suối nên nguồn nước dẫn vào ao khá dồi dào lại trong mát. Một trong những lí do mà tôi mua đất đào ao thả cá ở đây cũng chính vì lợi thế này. Sống trong môi trường trong lành, đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt, dịch bệnh không xảy ra” – anh Thuấn cho hay.
Nhiều khách trong huyện đến câu cá giải trí tại ao cá nhà anh Thuấn
Mỗi ngày, anh Thuấn cho cá ăn 2 bữa sáng, chiều. Ngoài cho cá ăn cám viên, anh Thuấn còn trồng 2ha cỏ voi để làm thức ăn cho chúng. Mỗi lần gạn ao, bán cá ra thị trường, anh Thuấn lại tiến hành vét bùn trong ao sau đó rắc vôi bột khử trùng, rồi mới dẫn nước vào và tiếp tục thả lứa mới.
“Vào mùa mưa, nhất là những cơn mưa đầu mùa thường có nhiều axit. Nếu không xử lí nguồn nước kịp thời thì cá rất dễ mắc bệnh, nhẹ thì chậm lớn còn nặng thị chết hàng loạt. Vì vậy cứ sau những cơn mưa đầu mùa, tôi lại rắc vôi bột và muối xuống ao để khử axit có trong nước ao. Nhờ đó, đàn cá luôn phát triển khỏe mạnh” – anh Thuấn chia sẻ.
Anh Thuấn dự định thời gian tới sẽ tiếp tục đào thêm ao nuôi tinhrcung cấp cho thị trường trong tỉnh
Mỗi năm, anh Thuấn bán ra thị trường khoảng 15 tấn cá thương phẩm, với giá dao động từ 40 – 70.000 đồng/kg tùy từng loại cá. Sau khi trừ chi phí cám, tiền thuê nhân công, anh “đút túi” trên dưới 300 triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Việt về đầu ra cho cá thương phẩm của gia đình, anh Thuấn cho biết: Nhu cầu sử dụng cá làm thức ăn của người dân Lai Châu là rất lớn, trong khi đó nguồn cung trong tỉnh chưa đáp ứng được. Mỗi lần anh gạn ao là thương lái đến tận nơi thu mua.
Nhờ cho ăn đầy đủ, đàn cá nhà anh Thuấn luôn sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh
Chỉ tay về phía áo cá rộng hơn 2ha, ngay trước cửa nhà, anh Thuấn phấn khởi nói: Sau khi thu lứa cá đầu tiên bán cho thương lái, tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Nhận thấy nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao, tôi bàn với vợ mua thêm đất, mở rộng quy mô ao cá. Ao này tôi thả gần 4 vạn cá giống các loại, đến giờ cũng có thể thu hoạch được rồi. Nếu bây giờ gạn ao, tôi có thể thu hơn 20 tấn cá thịt thương phẩm, bán buôn cho thương lãi cũng thu về hơn 1 tỷ đồng.
Theo Văn Chiến/Báo Dân Viêt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã