Đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, sau 10 năm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, cá tra, hoa kiểng và vịt. Đây cũng là tỉnh đầu tiên ở vùng ĐBSCL đi tiên phong và đạt nhiều hiệu quả trong lĩnh vực này. Đến cuối năm 2017, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh này đạt 598 nghìn ha, tăng 80 nghìn ha so với năm 2008. Theo đó, giá trị sản xuất đạt trên 118 triệu đồng/ha, tăng 49 triệu đồng/ha so với năm 2008.
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm mô hình nuôi cá điêu hồng trên lồng bè ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Huỳnh Xây
"Ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, cần rà soát lại diện tích đất nông nghiệp, xem xét lại các quy hoạch ở từng địa phương cụ thể trong lĩnh vực tam nông sao cho hợp lý hơn bởi việc sản xuất của người dân chưa gắn nhiều cơ chế thị trường”. Chủ tịch Hội NDVN |
Về chăn nuôi, tỉnh đã thành lập 6 tổ hợp tác nuôi vịt trong rọ, có kết nối với doanh nghiệp thu mua. Còn về thuỷ sản, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, giá trị sản xuất thuỷ sản năm 2017 đạt trên 11.800 tấn. Hiện, tỉnh có trên 1.500 cơ sở sản xuất, cung ứng giống thuỷ sản, có vùng nuôi được cấp chứng nhận tiêu chuẩn trong nước và quốc tế là 802ha.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, để việc sản xuất của bà con nông dân được hiệu quả hơn, tỉnh đã có sáng kiến thành lập hội quán làm trung tâm kết nối cộng đồng. Đến nay, tỉnh đã có 51 hội quán với từng ngành hàng riêng biệt của từng địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn có các mô hình mới như “cây xoài nhà tôi” có sức lan toả mạnh.
“Điều đặc biệt nữa là tỉnh tổ chức mở các điểm du lịch sinh thái tại các vườn cây ăn trái, vườn hoa sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Năm 2017, tỉnh thu hút được 3,2 triệu lượt khách đến tham quan, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân” – ông Hùng nói.
Theo Tỉnh uỷ Đồng Tháp, thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được nâng cao về hiệu quả hoạt động. Một trong những nguyên nhân là do tỉnh có chủ trương đưa cán bộ nông nghiệp về làm phó giám đốc HTX. Đến nay, đã có hàng chục cán bộ nông nghiệp trẻ, có năng lực tốt về hỗ trợ các HXT phát triển kinh tế.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư huyện Cao Lãnh cho biết: “Huyện Cao Lãnh đi tiên phong trong tái cơ cấu nông nghiệp với sản phẩm chính là cá tra, cá điêu hồng và xoài. Các hộ dân nuôi cá rất chú trọng trong việc xây dựng thương hiệu nên luôn chủ động nuôi trong môi trường sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng”.
Sẽ khắc phục những điểm chưa đạt
Trong buổi làm việc với Tỉnh uỷ Đồng Tháp, đoàn kiểm tra nhận định, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng trong vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, giúp nông dân dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và thoát khỏi cách làm lạc hậu trước đây. Trong đó có các sáng kiến hay như: thành lập nhiều HTX nông nghiệp, thường xuyên đến vận động, thăm hỏi và đưa cán bộ trẻ về làm phó giám đốc các HTX này.
Tuy nhiên, điểm chưa làm được của địa phương này là chỉ tập trung phát triển nông nghiệp mà chưa tính tới khâu kinh doanh sao cho tốt hơn. Cụ thể, địa phương chỉ đưa cán bộ kỹ thuật xuống HTX làm ra sản phẩm ngon chứ không đưa cán bộ kinh doanh, marketing xuống đó hỗ trợ bà con nông dân trong khi những cán bộ thuộc lĩnh vực này rất cần thiết.
Ngoài ra, theo báo cáo, phần lớn thu nhập của người dân tỉnh Đồng Tháp là từ cây ăn trái, thuỷ sản chứ không phải ở cây lúa. Vì vậy, cần nghiên cứu giảm bớt diện tích sản xuất lúa trong năm, thay vào đó là cây trồng khác, giúp người dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất, giúp cải tạo đất phì nhiêu hơn.
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng đề xuất với Tỉnh uỷ Đồng Tháp nên cử cán bộ xã lên tỉnh Hà Giang để học hỏi thêm các mô hình phát triển kinh tế. Mặc dù diện tích rất nhỏ, điều kiện rất khó khăn, đặc biệt là thiếu nước nhưng người dân tỉnh này sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả, kinh tế mang lại rất lớn.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng, ông Nguyễn Tôn Hoàng - Phó bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp cho biết: “Bên cạnh việc học tập kinh nghiệm các nơi, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của mình, từng bước hướng tới nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại. Cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nông lâm thuỷ sản 4,2%/năm”.
Theo Huỳnh Xây/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã