Hơn 5 năm qua, ông Thiện đã mạnh dạn chuyển đổi 5 ha đất ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả ở xã Phú Thành B sang nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ, mỗi năm thu lãi bình quân từ 200 - 400 triệu đồng.
Năm 2009, ông Lê Phước Thiện tiến hành cải tạo mặt ruộng, lên bờ bao lửng và khử trùng bằng vôi bột, sau đó ông mua cọc tràm, lưới cước thiết kế thành vuông (ao) nuôi tôm (ruộng đang có nước lũ ngập tràn). Bước tiếp theo, ông Thiện ngăn một phần diện tích trên mặt ruộng để xây dựng ao ương con giống, diện tích còn lại làm ao lắng. Chân bờ được đè nén chắc chắn nhằm hạn chế sạt lở, bề mặt và chiều cao đê bao của vuông nuôi tôm được thiết kế an toàn, vững chắc. Tiếp đó, ông Thiện xử lý nước trong vuông nuôi thật kỹ bằng cách ngâm nước trong vuông vài ngày rồi mới tháo hết nước ra phơi đáy, tiếp tục làm lặp lại - bơm nước vào ngâm rồi lại tháo nước ra cho đến khi nồng độ pH trong vuông nuôi thích hợp. Sau khi tiêu diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn…, ông thả tôm càng xanh giống vào ao ương nuôi. Gần 1 tháng sau khi ương, ông cho thả toàn bộ đàn tôm ra tất cả diện tích vuông nuôi.
Nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu được ông Thiện sử dụng thức ăn viên công nghiệp chuyên dùng có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm và độ bền của thức ăn trong nước ít nhất là 2 giờ (theo tiêu chuẩn ngành). Ngoài ra, ông còn sử dụng cá tạp làm thức ăn bổ sung cho đàn tôm nuôi. Trong quá trình nuôi, ông bổ sung khoáng, Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm; đồng thời theo dõi chu kỳ lột xác của tôm mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm nền đáy. Việc phòng ngừa dịch bệnh cho tôm cũng được ông Thiện thực hiện kịp thời theo đúng hướng dẫn của cán bộ thủy sản huyện.
Bí quyết nuôi tôm của ông là ông cũng thường xuyên tiêu diệt các loài cá, ếch, rắn… trong vuông để hạn chế cạnh tranh thức ăn và sát hại tôm khi tôm lột xác… Bên cạnh đó, ông tỉa thưa tôm trứng để bán, nhằm tạo điều kiện cho tôm đực lớn nhanh và tiết kiệm được lượng thức ăn cho tôm đáng kể. Bình quân cứ đầu tư khoảng 4 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg tôm càng xanh thương phẩm.
Nhờ có kinh nghiệm quản lý chăm sóc tôm nuôi khoa học nên 5 năm qua, ông Thiện đều thu lãi cao. Vụ nuôi tôm đầu tiên, ông Thiện thu lãi được 200 triệu đồng; sang vụ nuôi tôm năm 2010, ông Thiện tiếp tục thu lãi hơn 250 triệu đồng; vụ nuôi tôm mùa lũ năm 2011, ông Thiện thu lãi gần 350 triệu đồng. Riêng năm 2013 thu lãi cao nhất. Ông Thiện chia sẻ: “Năm 2013, gia đình tôi thu hoạch xong 5 ha tôm càng xanh đạt tổng sản lượng trên 7 tấn tôm trứng và tôm thương phẩm. Bán giá tôm trứng 160.000 đồng/kg; giá tôm thương phẩm 230.000 đồng/kg, thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Trừ tất cả các khoản đầu tư và công chăm sóc, gia đình tôi còn lãi trên 400 triệu đồng. Mặc dù vậy, nhưng người nuôi tôm ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn về việc thiếu nguồn tôm giống tốt và đầu ra của tôm càng xanh chưa bền vững. Tôi xin kiến nghị, các ngành chức năng nên đầu tư cơ sở tôm giống tốt để người nuôi tôm được an tâm, đồng thời hỗ trợ đầu ra - có bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo cho người nuôi đầu tư nuôi ổn định”.
Theo kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông, vụ nuôi tôm càng xanh năm 2013 của huyện Tam Nông có diện tích 607 ha, với năng suất cao, trúng mùa, trúng giá, các hộ đều có lãi khá. Riêng hộ ông Thiện đã nuôi 5 năm nay, các năm đều có lãi khá từ 50 - 80 triệu/ha. Hằng năm, đạt lợi nhuận tương đối cao hơn so với các hộ khác”.
Kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh cho biết: “Trong các chương trình tới, Trạm sẽ hướng dẫn các hộ nuôi mua giống tại các Trại sản xuất giống có uy tín trong tỉnh; đồng thời liên kết với Trung tâm sản xuất giống đảm bảo số lượng và chất lượng về con giống nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi của bà con, bên cạnh đó, Trạm sẽ kêu gọi các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm để các hộ nuôi an tâm sản xuất”.
Nông dân Lê Phước Thiện hiện đang tiếp tục phát huy mô hình nuôi tôm càng xanh trên diện tích 5 ha đất ruộng của mình trong vụ nuôi 2014. Do nuôi khá thành công, nên nhiều bà con đến tham quan, học tập, ông Thiện sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu học tập, áp dụng mô hình này.
Nuôi tôm mùa lũ rất dễ, người nuôi chỉ cần chọn vùng nuôi phù hợp, nguồn nước không bị ô nhiễm; chọn con tôm giống rõ nguồn gốc, không bị nhiễm bệnh, thả mật độ thưa; thức ăn cho tôm tránh dư thừa trong quá trình nuôi, tôm sẽ mau lớn, ít bị bệnh. (Kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông)
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã