Cây chè giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, thông qua các mô hình trình diễn và hội thảo đầu bờ, bà con nông dân được tập trung xem, làm theo. Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thông qua hình thức hỗ trợ chính sách 30a của Chính phủ; trong đó, chú trọng chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa bền vững.
Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thì hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố rà soát nhu cầu hỗ trợ của hộ dân về các loại cây, con giống. Tổ chức họp bản, cho hộ dân viết đơn đăng ký nhu cầu cần hỗ trợ với điều kiện các hộ đảm bảo về: chuồng trại, đất canh tác; cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng giống đúng mục đích.
Được hỗ trợ con giống, cây trồng và tập huấn phương thức sản xuất mới, bà con giảm gánh nặng đầu tư ban đầu, nên yên tâm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Điển hình như gia đình bà Vàng Thị Khiêm, dân tộc Thái ở bản Nậm Ngùa, xã Phúc Than, huyện Than Uyên được hỗ trợ 1 con lợn giống 25kg. Nhờ làm tốt phòng chống dịch bệnh, cũng như bỏ công chăm sóc đến nay lợn đã đẻ được 4 lứa, giúp gia đình tăng đàn, bán lợn giống cho thu nhập kinh tế cao.
Ông Lù Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên cho biết, xã có diện tích đất tự nhiên 2.164 ha, có 9 bản. Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất 30a đã giúp nông dân trong toàn xã thay đổi thói quen canh tác lạc hậu chuyển sang trồng trọt theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.
Còn ở bản Cốc Phát, xã Bản Bo (huyện Tam Đường) nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống, mọi người vẫn luôn nhắc đến ông Hạng A Sào, người luôn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.
Trước đây, dân bản chỉ biết làm nương rẫy, vụ được vụ mất nên cái đói, nghèo cứ quẩn chân năm này tháng khác. Không cam chịu, trưởng bản Hạng A Sào đã quyết tìm ra cách để đẩy đuổi đói nghèo ra khỏi bản. Ông đã chủ động tham mưu cho cấp ủy chi bộ bản tập trung lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư thâm canh, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất. Trong đó, thành công nhất là vận động nhân dân trồng cây chè kim tuyên. Đến nay, toàn bản có 20 hộ tham gia trồng chè với tổng diện tích 22ha, nhiều gia đình thu nhập từ cây chè gần 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Cà Văn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm, năm 2017, từ chương trình 30a xã đầu tư sửa chữa đường nước sạch ở bản Nậm Lò, làm mới 1,3km thủy lợi ở bản Tà Tủ 1, 2; chương trình 135 hỗ trợ hơn 15 tấn phân bón NPK cho các hộ nghèo... chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn đầu tư cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào nuôi, trồng; đưa máy móc vào sản xuất; đầu tư, phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa nên đời sống của bà con đổi thay đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình khoảng 3 - 5%.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ở Lai Châu đã tạo đòn bẩy giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Ngọc Thanh/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã