Học tập đạo đức HCM

Nhà nông đua tài sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ năm - 17/05/2018 06:21
Từ nhiều năm nay, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đã lan tỏa trên khắp tỉnh Hải Dương, thu hút đông đảo các hộ nông dân hăng hái tham gia, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
dua-an-toan.jpg

Sản xuất dưa an toàn, chất lượng cao bằng hệ thống nhà màng ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Nở rộ các phong trào thi đua

Thấm nhuần lời Bác dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, từ nhiều năm nay, phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi của tỉnh Hải Dương đã phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính trong 5 năm (2012 - 2017), toàn tỉnh đã có hơn 871.500 lượt hộ nông dân đăng ký phấn đấu trở thành hộ SXKD giỏi, chiếm 55% so với tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Trong đó có hơn 701 nghìn lượt hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, tăng gần 85 nghìn lượt hộ so với giai đoạn 2007 - 2011. Bình quân 5 năm, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu SXKD cấp trung ương chiếm 0,1%, cấp tỉnh chiếm 5,3%, cấp huyện chiếm 23,8%, cấp cơ sở chiếm 70,8%.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hải Dương diễn ra đa dạng và đều khắp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, VAC tổng hợp, kinh doanh dịch vụ... Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau, màu theo hướng an toàn gắn với hợp đồng tiêu thụ với quy mô lớn. Từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có quy mô hàng trăm, hàng nghìn héc-ta, thu hút và tạo việc làm ổn định cho hơn 100 nghìn lao động. Tiêu biểu như các vùng sản xuất rau bắp cải, su hào, súp lơ ở các huyện: Gia Lộc, Thanh Miện, Tứ Kỳ; vùng trồng hành, tỏi của huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách; vùng trồng vải thiều và ổi VietGAP của huyện Thanh Hà; vùng trồng củ đậu của huyện Kim Thành, vùng trồng cà rốt của xã Cẩm Văn, Đức Chính (huyện Cẩm Giàng)...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhanh về quy mô đầu tư áp dụng công nghệ chuồng kín hiện đại, bán tự động; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, đệm lót sinh học, an toàn sinh học... Đáng chú ý, nhờ khai thác lợi thế của các sông lớn, nhiều mô hình nuôi thủy sản phát triển theo hướng thâm canh, khai thác ngày càng có hiệu quả tiềm năng mặt nước; các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: cá trắm đen, diêu hồng, chép lai, cá lăng, cá chình, ba ba gai... Trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ nông dân nuôi hơn 2.100 lồng cá trên sông; trên các vũng bãi nước lợ ven sông. Nhiều hộ nông dân ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành đã mạnh dạn đầu tư khai thác rươi, cáy; xây dựng nên các vùng nguyên liệu rươi, cáy đặc sản nổi tiếng của Hải Dương.

Lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ nông dân mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ mới, nâng cao mức độ cơ giới hóa, bảo đảm việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn, từng bước hình thành các mô hình “mỗi làng nghề một sản phẩm” như đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Lương Điền (huyện Cẩm Giàng), sản xuất giày, dép da ở xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc), thêu ren ở xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ), chế tác kim hoàn ở xã Thúc Kháng (huyện Bình Giang).

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ở Hải Dương những năm qua góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,1%. Trong đó giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng bình quân 2,2%/năm; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 4,5%/năm; giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 5,3%/năm. Sản xuất phát triển, nhiều hộ SXKD giỏi có thu nhập cao đã giúp đỡ hàng chục nghìn hộ nghèo bằng tiền vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất, từng bước giúp hơn tám nghìn hộ thoát nghèo.

Tiêu biểu là trang trại của nông dân Phạm Đình Dừa ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc - người đầu tiên ở miền bắc thực hiện sản xuất giống gà thịt thương phẩm giống chọi lai Lương Phượng, với đàn gà bố mẹ hiện có hơn 26 nghìn con, được nuôi theo công nghệ chuồng kín, mỗi năm cho thu nhập vài tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh Dừa còn liên kết với các hộ nông dân để chuyển giao giống, công nghệ chăn nuôi và hợp đồng tiêu thụ toàn bộ trứng giống cho 15 trại chăn nuôi trong tỉnh, cho lợi nhuận từ 100 đến 500 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó hàng chục hộ nghèo còn được anh Dừa đầu tư con giống trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất gà giống, từ đó từng bước thoát nghèo.

Cùng thi đua với nhà nông

Thành công của phong trào nông dân SXKD giỏi ở tỉnh Hải Dương không thể tách rời vai trò của Hội Nông dân tỉnh. Trong những năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng được hơn 300 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết SXKD trực tiếp hỗ trợ nông dân xây dựng 10 nhãn hiệu nông sản tiêu biểu như: Nếp cái hoa vàng Kinh Môn, sắn dây Kinh Môn, na Chí Linh, vải thiều Thanh Hà, rươi, cáy Tứ Kỳ, bánh đa Hội Yên (Chi Lăng Nam - Thanh Miện). Hội đã chủ động tổ chức trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của nông dân, phối hợp tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại, tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu,... qua đó đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông sản chủ lực, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Để hỗ trợ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi tiếp tục phát triển thiết thực, hiệu quả, nông dân Hải Dương đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong vấn đề xây dựng nông thôn mới. Đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thật sâu rộng, cụ thể, sao cho giảm bớt tình trạng được mùa mất giá, dẫn đến phải “giải cứu” nông sản cho nông dân như thời gian qua.

Cần tiếp tục tăng cường và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tích tụ ruộng đất, thời hạn sử dụng ruộng đất, cho thuê mướn, chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn quyền sử dụng đất, chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nông nghiệp. Tăng cường chính sách hỗ trợ nông dân trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, có ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao theo tiêu chuẩn hội nhập khu vực và quốc tế, định hướng và hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản giúp nông dân.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm; nhất là những vi phạm trong sản xuất buôn bán, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc giả, kém chất lượng gây thiệt hại đến sản xuất của nông dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, luôn sâu sát hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận được với các chính sách đầu tư. Đây cũng là những việc làm thiết thực của các cấp, các ngành “cùng thi đua với nhà nông”.
 

 Theo Tâm Đức/Báo Nhân Dân.VN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập246
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại726,187
  • Tổng lượt truy cập90,789,580
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây