Năm 2012 được sự vận động của trạm thủy sản huyện Tân Hồng trong chuyển đổi mô hình nuôi tôm càng xanh và được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vốn (hỗ trợ 50% vốn con giống). Ông Nguyễn Văn Nước đã mạnh dạn đầu tư nuôi 4 ha tôm càng xanh theo mô hình bờ bao lửng khép kín bơm nước vào mùa lũ. Qua vụ nuôi đầu tiên, sau khi trừ tất cả khoảng chi phí ông còn lãi trên 250.000.000đ.
Thấy được hiệu quả bước đầu, năm 2013 ông tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất lên 10 ha, và mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, ghép cá sặc rằn. Đây là mô hình sản xuất hoàn toàn mới, đầu tiên trên địa bàn huyện Tân Hồng. Mật độ thả nuôi bình quân 6 con tôm post/m2, ghép với 2 con giống cá sặc rằn/ m2. Nguồn thức ăn sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp và tận dụng thêm nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: ốc bươu vàng, cua đồng, cá tạp để bổ sung thêm lượng thức ăn. Qua 6 tháng nuôi, với sự hổ trợ kỹ thuật thường xuyên kịp thời của trạm thủy sản huyện, đến nay mô hình nuôi đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo tính toán thực tế:
- Tổng chi phí sản xuất bao gồm: thức ăn ( cá tạp, ốc bươu vàng; thức ăn công nghiệp), thuốc, hóa chất, điện, nhân công lao động, các thiết bị mua sắm vv… là 1.400.000.000đ ( một tỉ bốn trăm triệu đồng).
- Tổng sản lượng tôm thu hoạch là 13 tấn.
- Giá bán bình quân 220.000đ/kg.
- Tổng giá trị tôm bán ra 2.860.000.000đ.
- Sản lượng cá sặc rằn thu hoạch: 3 tấn x giá bán 45.000đ/kg = 135.000.000đ.
- Tổng giá trị sản lượng bán ra 2.995.000.000đ.
- Tổng lợi nhuận: 2.995.000.000đ-1.400.000.000đ = 1.595.000.000đ ( một tỉ năm trăm chín mươi lăm triệu đồng).
Qua theo dõi thực tế mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực ghép cá sặc rằn của ông Nước, nhận thấy có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình nuôi tôm càng xanh đơn giống thường. Thể hiện rõ nhất là tôm toàn đực có sức sống tốt, tỉ lệ sống cao đạt trên 90%, tôm lớn đồng đều và nhanh, chưa phát hiện có lẫn tôm cái trong quá trình nuôi. Môi trường nước nuôi tôm càng xanh toàn đực ghép cá sặc rằn sạch hơn nuôi tôm không ghép cá, do cá sặc rằn tiêu thụ tận dụng được các phiêu sinh vật, sinh ra từ môi trường nước nuôi, ít thay nước, sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi ít hơn. Mô hình nuôi khép kín bơm nước không bị ảnh hưởng bởi mùa lũ lớn hay nhỏ, thất thoát do lũ gây ra, thu hoạch đồng loạt.
Thiết nghĩ đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã qua thực nghiệm, bình quân lợi nhuận đạt trên 150.000.000đ/ha/vụ. Mô hình cần được các cấp, các ngành quan tâm hổ trợ phát triển, nhằm nâng cao hiệu suất sinh lợi trên đơn vị diện tích đất canh tác, theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, mô hình này hoàn toàn phù hợp đối với những vùng đất cao, có nền đất sét trắng pha cát, nghèo phù sa, như địa hình của huyện Tân Hồng.
Nguồn: bannhanong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã