Học tập đạo đức HCM

Đồng Tháp: Tiến tới sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu

Thứ ba - 05/01/2016 21:11
Năm 2015, giá trị sản xuất toàn khu vực nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 46.608 tỷ đồng, tăng 6,09% so với năm 2014; tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng liên kết (CĐLK). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2015 tổng diện tích thực hiện CĐLK của tỉnh đạt gần 70.000ha, được triển khai thực hiện ở 10 huyện, thị toàn tỉnh. Trong đó, có 22.300ha với sản lượng trên 156.600 tấn được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đạt trên 32% diện tích thực hiện.

Cùng với nhân rộng CĐLK, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây khác như bắp, luân canh mè trên nền đất lúa, sản xuất rau an toàn, mô hình canh tác xoài rải vụ... góp phần vào nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, tỉnh quan tâm đưa tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giúp nông dân hạ giá thành sản xuất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, diện tích thu hoạch bằng máy đạt trên 97%, khâu làm đất đạt 100% diện tích sản xuất, 82% tưới tiêu bằng bơm điện. Việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giúp nông dân giảm tỉ lệ hao hụt xuống còn 3-4%, tiết kiệm 1 triệu đồng/ha so với thu hoạch bằng thủ công. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng giúp giảm chi phí sản xuất 800.000 đồng/ha/vụ.

Đồng Tháp đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây được xem là mũi tiến công đưa nông nghiệp tỉnh phát triển theo chiều sâu với 5 ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Năm qua, ngành hàng xoài và ngành hàng vịt mang nhiều tín hiệu vui. Cụ thể, có 85 tấn xoài Cát chu cặp bến thị trường nước ngoài, tạo bước chuyển cho sản phẩm xoài Đồng Tháp, trong đó có thị trường khó tính Nhật Bản. Ngoài ra, một số công ty đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến từ sản phẩm xoài tạo ra sự đa dạng hóa, góp phần tăng giá trị gia tăng nông sản này.

Ngành hàng vịt có vẻ kém cạnh so với những ngành hàng còn lại. Tuy nhiên, khi nhà máy giết mổ công nghiệp và chế biến gia cầm, thủy cầm của Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ tái hoạt động tạo chất xúc tác cho ngành hàng vịt phát huy tiềm năng. Phát biểu tại buổi tái hoạt động của công ty, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, việc nhà máy tái hoạt động tạo điều kiện cho sự liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, từng bước hình thành chuỗi giá trị, đưa ngành hàng vịt của tỉnh phát triển.

Tuy gặt hái được nhiều thuận lợi nhưng nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp phần lớn theo tập quán, chưa gắn kết được với thị trường, sức cạnh tranh thấp; sản phẩm cung cấp ra thị trường chủ yếu ở dạng thô.

Theo đó, diện tích thực hiện CĐLK thấp, kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại chậm phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết sản xuất đạt thấp. Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, những nhân tố chính trong liên kết sản xuất vẫn còn yếu, dẫn đến việc liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp còn chưa cao, cần hoàn thiện trong thời gian tới để đưa mô hình liên kết gắn với tiêu thụ phát triển.

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nhận định: “Nhìn chung tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp phát triển nhưng có xu hướng chậm lại”. Để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Dương yêu cầu Sở NN&PTNT chú ý phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng để tăng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản lên 7% và GDP của tỉnh lên 10%. Ngoài ra, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác chuỗi giá trị cá tra, chương trình hoa kiểng hợp tác với Hà Lan, chương trình sản xuất và chế biến xoài hợp tác với Nhật Bản, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT); phối hợp xây dựng hoàn chỉnh Dự án hợp tác công tư (PPP) với Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Hàn Quốc (KRC)...

Để tiến tới phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ông Nguyễn Văn Dương cho rằng, ngành nông nghiệp phải tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ đối với các sản phẩm cây ăn trái, rau màu với sự tham gia của thương lái, nhà vựa và doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời tiến tới nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Với kết quả đạt được cùng những khó khăn được dự báo, ngành nông nghiệp đặt ra những chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2016 giá trị tăng thêm nông lâm thủy sản đạt 16.680 tỷ đồng, tăng 6,21% so với năm 2015 trên tinh thần tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thị trường...

 

Theo Báo Đồng Tháp

 Tags: thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập327
  • Hôm nay50,012
  • Tháng hiện tại846,710
  • Tổng lượt truy cập90,910,103
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây