Năm nay vừa bước sang tuổi 35 nhưng chị Bùi Thị Thanh Hằng giáo viên trường Mầm non Hải Lý hiện đang thường trú tại thị trấn Cồn đã là chủ trang trại rộng 11.000 m2 ở xóm Lê Lợi - Hải Lý. Vốn là người dám nghĩ, dám làm từ năm 2012, sau khi có dịp tham quan nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, nhất là mô hình nuôi gà công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh chị Hằng đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn và thuê 11.000m2 đất làm muối kém hiệu quả tại xóm Lê Lợi xã Hải Lý – quê hương chị để xây dựng chuồng trại khép kín nuôi gà công nghiệp. Bởi theo chị thì mô hình chăn nuôi gà công nghiệp là hướng phát triển kinh tế lâu nay vẫn chưa được người chăn nuôi trong huyện tận dụng và khai thác có hiệu quả.
Những ngày đầu khi mới phát triển mô hình này, chị cùng gia đình cũng phải đi tìm tòi, học hỏi kỹ thuật ở nhiều nơi như Hà Tây, Thái Nguyên…Chị chia sẻ, để phát triển tốt mô hình, người chăn nuôi cần phải thực hiện đúng quy trình xây dựng chuồng trại đảm bảo đủ tiêu chí ấm áp về mùa Đông và thoáng mát về mùa Hè. Ngoài ra, phải thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên tiêm vắc xin phòng bệnh cho gà. Khác với chăn gà thả vườn mô hình nuôi gà công nghiệp có thời gian ngắn khoảng 50 ngày là có thể xuất chuồng, quy trình chăm sóc cũng đòi hỏi hiện đại hơn. Mọi khâu từ cho gà ăn đến uống nước đều bằng hệ thống tự động. Vì vậy, ngoài việc giảm công lao động, việc chăn nuôi gà công nghiệp còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được thức ăn hơn so với nuôi gà bình thường. Có thể nói, tuy vốn đầu tư, các quy trình chăm sóc gà công nghiệp vất vả, cần nhiều công sức cho việc dọn vệ sinh chuồng trại, chọn con giống, chăm sóc... nhưng hiệu quả kinh tế của nó mang lại tương đối cao. Vào những thời điểm giá cả ổn định, trừ chi phí số lãi anh chị thu được là không hề nhỏ!
Không chỉ nuôi gà công nghiệp, từ cuối năm 2014 gia đình chị lại bắt tay đầu tư xây mới thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn nái siêu nạc. Hiện tại trang trại của chị ngoài duy trì nuôi 1,4 vạn gà trắng còn nuôi thêm 120 lợn nái siêu nạc. Chuồng trại đều được chị xây dựng theo kiểu mới, thoáng mát, khoa học, lợn ở trên sàn bê tông, cách đất khoảng 1,5 m. Bởi theo kinh nghiệm của từ các trang trại mà chị đã tham quan thì nuôi theo phương thức này sẽ thuận lợi cho việc vệ sinh, chăm sóc và hạn chế bệnh cho con nuôi. Tất cả lợn ở đây đều được gắn thẻ tai để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc theo từng giai đoạn. Từ đó giúp lợn phát triển thuận lợi và cho con giống tốt.
Phát triển mô hình chăn nuôi gà công nghiệp và lợn nái siêu nạc trong những năm qua gia đình chị Hằng không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho trên 10 lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Mai Thị Gấm xã Hải Lý là công nhân ở trang trại phấn khởi cho biết: Trước đây tôi ở nhà làm muối rất vất vả mà đồng công lại không cao. Hơn một năm nay được vào làm tại cơ sở chăn nuôi của chị Hằng tôi rất vui vì việc chăm sóc đàn lợn vừa nhàn hơn mà lương lại ổn định với mức 4 triệu đồng/tháng.
Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, trong những năm qua gia đình chị Hằng còn tích cực ủng hộ các phong trào thi đua, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương được cấp ủy, chính quyền cơ sở ghi nhận. Ông Vũ Ngọc Ân - Phó Bí thư Thường trực xã Hải Lý khẳng định: Chị Hằng không chỉ là cô giáo yêu nghề, mến trẻ, làm kinh tế giỏi mà còn rất tích cực ủng hộ các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở chúng tôi như: gia đình đã ủng hộ tiền làm đường nông thôn mới, làm cổng NTM của xã và một số phong trào từ thiện nhân đạo khi cơ sở phát động thì gia đình đều tích cực tham gia... Còn cô Vũ Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Lý cho biết: Cô Hằng hiện đang là Tổ trưởng Tổ Dinh dưỡng của trường, là người rất có tinh thần trách nhiệm trong công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công nên được đồng nghiệp quý trọng.
Hiện tại gia đình chị Hằng đang có nguyện vọng sẽ tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi bởi đây là mô hình vừa đem lại hiệu quả cao vừa có thể đảm bảo về yếu tố môi trường cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa bàn. Qua đó, thiết thực góp phần xây dựng NTM ở địa phương.
Theo Nam Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã