HTX Vân Nam xác định điều kiện đất đai màu mỡ là điểm mạnh để HTX phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó, chuối là cây trồng chủ lực.
Hiệu quả kinh tế
Nếu như có thời gian giá chuối xuống thấp, người trồng chuối lao đao, thì chuối do HTX Vân Nam trồng vẫn xuất bán đều đặn. Tuy giá có xuống, nhưng đầu ra của HTX vẫn tương đối ổn định, vì chất lượng chuối được đánh giá cao thông qua quy trình sản xuất sạch. Cùng với đó, HTX liên kết được với DN để bao tiêu đầu ra cho các thành viên.
Theo ông Bùi Ánh Dũng - Phó Giám đốc HTX, thị trường chuối sạch không thiếu, nhưng để có đầu ra ổn định, người trồng chuối phải kết nối được với DN để tổ chức quy trình sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, HTX có khoảng 90 ha chuối, trong đó có 70 ha chuối tiêu hồng, 20 ha chuối tây. Vì đã đầu tư quy trình sản xuất chuối VietGAP, sạch, đủ tiêu chuẩn từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng, từ giống - trồng - chăm sóc - thu hoạch - đóng gói - bảo quản - vận chuyển, chuối của HTX được xuất đều đặn vào các siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận, với giá cả không biến động nhiều.
“Để đáp ứng được nhu cầu của DN thu mua, từng công đoạn như bao chuối bằng túi chuyên dụng, chặt chuối, vận chuyển, ra nải, đặt vào bồn rửa, tỉa nải, đóng thùng, đóng gói… chúng tôi đều phải học hết”, chị Bùi Thị Toan - thành viên HTX, cho biết.
Trung bình, 1 ha sẽ trồng được khoảng 2.200 gốc chuối tiêu hồng và gần 1.700 gốc chuối tây. Mỗi năm, 1 gốc sẽ cho thu hoạch 1 buồng chuối. Mỗi buồng chuối dao động 7 - 9 nải.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng của HTX cho hiệu quả kinh tế cao |
Không phụ thuộc phân hóa học
So với trồng lúa, ngô, sắn, sau khi trừ chi phí, các thành viên và người dân có thể thu về 6 triệu đồng/sào. Hiện nay, các thành viên, hộ nào trồng ít cũng 2 mẫu, giá trị thu về từ cây chuối lên đến hàng trăm triệu đồng/ mẫu. Hơn nữa, trồng chuối rất nhàn, không tốn công sức chăm sóc như các loại cây trồng khác.
Các thành viên tham gia trồng chuối VietGAP đã thực hiện đúng quy trình, liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. HTX chỉ cần trồng cây giống theo hàng với tỷ lệ nhất định, bón lót phân 1 - 2 lần và làm cỏ định kỳ là có thể thu quả cả năm. Đặc biệt cây chuối không ưa dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Mỗi gốc HTX chỉ để 1 cây và cắt bỏ toàn bộ cây non ở xung quanh để tập trung nguồn dinh dưỡng vào cây chính. Các cây con sau khi cắt được để lại dưới gốc cây để giữ độ ẩm và phân hủy thành phân hữu cơ cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây.
Sau thời gian thu hoạch, chuối được chặt để trồng cây mới. Toàn bộ thân và lá chuối được HTX chặt khúc ngắn ủ với men vi sinh và phụ phẩm nông nghiệp thành phân trong vòng 3 tháng. Đây là nguồn phân hữu cơ dồi dào giúp HTX không phải tốn nhiều chi phí.
Chị Toan cho biết trước đó, gia đình chị trồng nhiều chuối nhưng thu hoạch xong không biết làm gì ngoài lấy một vài thân chuối để làm thức ăn cho gà, cho lợn, còn lại là bỏ đi, rất lãng phí...
Sau khi được HTX phổ biến kiến thức về làm phân hữu cơ từ cây chuối, chị đã đào hố trong vườn chuối của gia đình, tận dụng những thân cây chuối đã ra buồng cùng với rác thải, phân lợn để ủ lấy phân hữu cơ phục vụ việc sản xuất.
“Các thành viên đều áp dụng phương pháp này nên không phải phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu độc hại lại góp phần giảm ô nhiễm môi trường”, chị Toan, cho biết.
Nhờ phát triển trên diện tích lớn và áp dụng mô hình canh tác khoa học, HTX đã góp phần đưa cây chuối lên tầm cao mới.
“Thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng thêm diện tích trồng chuối, tiếp tục ủng hộ HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao lợi nhuận cũng như giải quyết bài toán môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay”, ông Đặng Việt Hùng - Chủ tịch UBND xã Vân Nam, nói.
Như Yến/https://thoibaokinhdoanh.vn/