Những kết quả bước đầu
Hơn mười năm trở lại đây, nhờ phát huy tốt hiệu quả từ những chương trình, dự án hỗ trợ, Sóc Trăng đã trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 11 nghìn 120 con. Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergrowth Trần Hoàng An cho biết: Ðược thành lập từ năm 2004 thông qua "Dự án Nâng cao đời sống nông thôn ở Sóc Trăng", HTX đã chọn mô hình chăn nuôi bò sữa để nhân rộng tại xã Tài Văn, huyện Trần Ðề. Thực tế, nhiều năm qua bò sữa không chỉ là vật nuôi xóa đói, giảm nghèo nhanh của nông dân, mà còn mang tính cộng đồng cao, có khả năng phát triển lâu dài, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, đất hoang hóa và đất giồng cát của địa phương để trồng cỏ nuôi bò. HTX phối hợp ngành ngân hàng đầu tư vốn cung ứng con giống, chuồng trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao với quy mô lớn ở các huyện Mỹ Xuyên, Trần Ðề, Mỹ Tú, Châu Thành và vùng ven TP Sóc Trăng. HTX đã hỗ trợ người dân giống, hướng dẫn cách thức chăm sóc bò để nâng cao sản lượng, chất lượng sữa; mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho bò sữa, cách trồng cỏ... Liên kết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sau đó phân phối lại cho các xã viên với giá hợp lý, bảo đảm chất lượng. HTX đã kiểm soát được các khâu, bảo đảm sản phẩm sữa luôn đạt chất lượng cao và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa bò tươi của xã viên với giá bình quân từ 10.700 đến 14.000 đồng/kg. Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 171 xã viên với 352 con bò sữa thì nay số lượng xã viên tăng lên hơn 3.000 người (có đến 95% số xã viên là đồng bào dân tộc Khmer), số lượng đàn bò tăng tới hơn 11.000 con, trong đó khoảng 60% đang cho sữa, đưa tổng đàn bò sữa của tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ chỗ chỉ thu được khoảng 150 kg sữa/ngày, hiện nay sản lượng sữa đã lên đến hơn 15 tấn/ngày... Trưởng ban Quản trị HTX Nông nghiệp Evergrowth Trương Phước Hải cho biết: Sóc Trăng hiện có cả nghìn hộ là đồng bào Khmer đã thoát nghèo nhờ nuôi bò sữa. Xã viên Tăng Ương, một trong những người đi đầu đem bò sữa về nuôi ở ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, (huyện Trần Ðề) cho biết: "Trước đây, hoàn cảnh kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, chỉ có vài công đất vườn trồng xoài, chanh... nhưng tình trạng "được mùa, mất giá" cứ diễn ra. Vào năm 2004, tôi tham gia HTX và được hỗ trợ một con bò sữa. Từ đó, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về trồng cỏ, quy trình kỹ thuật nuôi bò sữa… do Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn, biết cách chăm sóc, cho nên bò ít bệnh, cho sữa khá nhiều. Thấy nghề nuôi bò sữa thích nghi tốt, lại được ngân hàng hỗ trợ vốn vay, đến nay tôi phát triển đàn bò lên 16 con và dành 10 công đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò... Hiện, mỗi ngày đàn bò của tôi cho khoảng 90 kg sữa, với giá dao động từ 11.000 đến 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng còn lãi gần 700 nghìn đồng, tính ra mỗi tháng lãi hơn 20 triệu đồng". Xã viên Trần Văn Chiến, HTX Nông nghiệp Evergrowth ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An (huyện Trần Ðề) cho biết: "Chương trình Heifer Việt Nam hỗ trợ hai con bò giống (theo dạng cho mượn con giống ba năm), kèm mua đối ứng hai con bò giống nữa, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi bốn con bò sữa, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách làm và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi, bò cho sữa tốt, chất lượng và sinh sản đều đặn đúng định kỳ. Hiện, tôi đang sở hữu 10 con bò cái đang cho sữa, có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm". Không chỉ có gia đình bác Ương, chú Chiến mà nhiều hộ đồng bào Khmer khác cũng được HTX hỗ trợ nuôi bò sữa, nhiều hộ từ nghèo khó đến thoát nghèo, từ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên hộ khá, giàu và trở thành xã viên tiêu biểu của HTX.
Khắc phục khó khăn, phát triển bền vững
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: Nhờ nuôi bò sữa mà nhiều xã viên nghèo của HTX Nông nghiệp Evergrowth có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Qua thống kê cho thấy, hầu hết các xã viên của HTX đều đạt lợi nhuận, xây được nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi trong gia đình, mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi, như Dự án CIDA - Canada, cải tiến nâng cao chất lượng giống bò sữa thông qua gieo tinh nhân tạo phân biệt giới tính; về bảo đảm môi trường trong chăn nuôi có dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp giai đoạn 2013-2018, với mục tiêu xây dựng 3.600 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa; hỗ trợ chính sách cho nông dân vay vốn mua con giống, các trang, thiết bị phục vụ mô hình chăn nuôi tiên tiến như máy vắt sữa, máy băm cỏ, hệ thống phun sương... Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tập trung triển khai nhiều dự án sử dụng phế phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi như: Trồng ngô lấy thân ủ chua; ủ rơm, bã mía làm nguồn thức ăn cho bò; sử dụng phân bò để nuôi trùng quế làm thức ăn cho cá, gà... giúp nông dân tăng thêm thu nhập và tạo ra mô hình chăn nuôi khép kín, bền vững; đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến, kiểm soát dịch bệnh; quản lý, đánh giá di truyền giống bò sữa theo phương pháp hiện đại... Tuy nhiên, việc nuôi và phát triển bò sữa ở Sóc Trăng vẫn còn những khó khăn cần sớm được tháo gỡ, như phần lớn hộ nuôi nhỏ lẻ, phân tán; kỹ thuật chăn nuôi còn nhiều hạn chế; môi trường chưa được quản lý tốt tại nông hộ; nguồn thức ăn cho bò chưa đa dạng và tận dụng triệt để, yếu trong khâu xử lý bệnh sinh sản; giá sữa được thu mua theo chất lượng cho nên thường xuyên biến động... Nhưng cái khó lớn nhất vẫn là hộ nghèo, cận nghèo và ngay cả những hộ mới thoát nghèo khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để mua bò sữa với giá hàng chục triệu đồng/con…
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cho rằng: Sóc Trăng vừa triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa cho các huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành và địa bàn vùng ven TP Sóc Trăng, với tổng nguồn vốn gần 290 tỷ đồng. Dự án nhằm chuyển từ hình thức chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ sang nông hộ, phấn đấu đến năm 2020, bình quân mỗi nông hộ nuôi từ năm con bò sữa trở lên; tăng đàn bò sữa lên khoảng 17.800 con; nâng năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ, sản lượng sữa tươi đạt 23 nghìn tấn/năm; mở rộng vùng trồng cỏ lên 1.200 ha; giải quyết việc làm cho hơn sáu nghìn lao động; tăng hơn 80% số hộ chăn nuôi bò sữa có hệ thống xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, chủ yếu dựa trên mô hình HTX Nông nghiệp Evergrowth đang hoạt động hiệu quả tại xã Tài Văn, huyện Trần Ðề để triển khai nhân rộng. Ðồng thời, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương để Công ty TH True Milk đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò sữa với quy mô lớn ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao và xây dựng nhà máy chế biến để giải quyết chuỗi giá trị của sản phẩm sữa, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi bò sữa.
Theo Đỗ Nam/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã