Tiềm năng sẵn có
Nằm cách Hà Nội hơn 50km, Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây (Hà Nội) hiện là một địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô. Nằm ở phía Nam sông Hồng, cạnh quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh, vị trí thuận lợi như vậy nên đã trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đây là ngôi làng cổ đầu tiên được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006 và cũng là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam được vinh danh “Một ấp hai vua”. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này là quê hương của nhiều bậc vĩ nhân, thiên tài góp phần làm rạng danh non sông đất nước như như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn...
Đường Lâm vẫn lưu giữ nét cổ kinh bình dị mang đậm dấu ấn làng quê Bắc Bộ. |
Trải qua thăng trầm thời gian, Đường Lâm vẫn giữ được những nét đặc trưng với cổng làng, cây đa, sân đình, chùa chiền, miếu mạo, giếng cổ, ruộng lúa... Đặc biệt hơn cả, những ngôi nhà cổ 200 – 400 tuổi in đậm nét kiến trúc, nghệ thuật độc đáo vẫn được người dân nơi đây lưu giữ, bảo tồn.
Quần thể di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm hội tụ đầy đủ cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đem đến cho du khách cảm giác được hòa mình và chiêm ngưỡng những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của một làng quê thuần Việt. Xét về quy mô cũng như giá trị văn hóa nghệ thuật, nơi đây đã trở thành một điểm nhấn du lịch của thành phố Hà Nôi.
Phát triển du lịch trải nghiệm
Nhận thấy những tiềm năng sẵn có của mảnh đất “Một ấp hai vua”, UBND thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã nỗ lực từng bước tìm kiếm các giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch, nâng cao nhận thức và trình độ làm du lịch cho người dân.
Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết:“Để thay đổi nhận thức cũng như nâng cao trình độ làm du lịch của người dân, của nhúng tôi đã tổ chức hàng loạt các chương trình hỗ trợ như: Mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch trải nghiệm ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai)...; tập huấn tiếp, đón khách; mời chuyên gia đến đào tạo cách làm homestay, làm ẩm thực, làm bánh kẹo...”
Ông Nguyễn Văn Hùng (thứ 3 từ bên phải) giới thiệu cho du khách về ngôi nhà cổ của gia đình. |
Đến nay, gần 10% số hộ gia đình tại Đường Lâm tham gia phát triển du lịch với nhiều mô hình dịch vụ như lưu trú, ăn uống, cho thuê xe đạp, làm các sản phẩm truyền thống bán cho khách du lịch, cùng du khách trải nghiệm làm nông dân.... Trong đó, dịch vụ trải nghiệm thực tế được rất nhiều du khách quan ưa chuộng.
Đến với Đường Lâm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và trải nghiệm mọi hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật của người nông dân. Ngoài ra, du khách còn được đi tham quan các di tích của làng, được thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tiêu biểu.
Chị Đặng Ngọc Linh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời trong một làng quê yên bình cùng với những con người thân thiện. Chỉ một ngày ngắn ngủi mà tôi và gia đình đã có cơ hội trở thành người nông dân thực thụ, được thưởng thức các món ăn nóng hổi được chế biến bằng những thực phẩm do chính tay chúng tôi thu hoạch”.
Ngôi nhà được xây dựng với lối kiến trúc hài hòa gần gũi với thiên nhiên. |
Một số ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến… không chỉ là địa điểm để khách đến thăm quan mà còn trở thành nơi cung cấp dịch vụ du lịch homestay, nơi bán đặc sản địa phương, quà lưu niệm. |
Ông Nguyễn Văn Hùng (xóm Sui, thôn Mông Phụ) – chủ một nhà cổ tại Đường Lâm cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu này, gia đình đã mở một số dịch vụ phục vụ ngay tại nhà cổ. Đặc biệt, dịch vụ homestay, trải nghiệm làm nông dân được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Gia đình đang tiếp tục phối hợp với một số công ty du lịch để tổ chức thêm các loại hình dịch vụ du lịch mới mang đậm nét làng quê Việt.”
Hiện nay, nhân dân Đường Lâm đang phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có từ nông nghiệp với mong muốn biến các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Việc tập trung phát triển những sản phẩm truyền thống của quê hương như: Chè lam, kẹo dồi... đạt tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ thị trường trong và nước ngoài cũng là một trong những mục tiêu lớn của người dân.
Mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm ngoài việc thúc đẩy du lịch địa phương phát triển còn giúp người dân có thêm thu nhập, công ăn, việc làm đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa làng Việt. Với mô hình mới này, du lịch Đường Lâm sẽ thêm đa dạng, phong phú và hứa hẹn có những bước đột phá mới.
TheoThảo Trang/LĐTĐ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã