Đau đáu với thực phẩm sạch
“Nhìn thấy cảnh người dân hôm nay phun thuốc sâu, 2 hôm sau đã mang rau xanh ra chợ bán, tôi thấy sợ vì chính người dân đang giết chết chính mình khi sản xuất, sử dụng thực phẩm không an toàn” ông Đỏ mở đầu câu chuyện khi dẫn chúng tôi thăm quan trang trại trồng rau sạch, nuôi lợn sinh học rộng 3,5ha của gia đình.
Trong trang trại trồng rau xanh của ông Đỏ đang có gần 20 lao công đang miệt mài lao động bên những luống rau chuẩn bị cho thu hoạch. Để quy hoạch được trang trại rau xanh quy mô như thế này, ông Đỏ mất nhiều thời gian để tìm xuống các vùng nông thôn của huyện Điện Biên tìm hiểu, thương lượng và thu gom, tập trung đất đai...
Ông Nguyễn Phú Đỏ kiểm tra giống dưa Nhật được ông và kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Nga đem về trồng thử nghiệm đã ra quả, và rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, môi trường tự nhiên tại Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy.
“Đã làm là phải ra tấm, ra món. Diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi phải lớn, đủ rộng để bỏ cái công và vốn đầu tư. Như các anh thấy đấy, cả cánh đồng Mường Thanh toàn một màu xanh của cây lúa, rất ít chỗ trồng cây rau xanh khác. Tôi rất vất vả để mua được khu đất rộng như thế này để trồng rau xanh. Trang trại này đã ngốn của tôi trên 10 tỷ đồng vốn đầu từ từ A-Z rồi đấy”, ông Đỏ chia sẻ.
Sau nhiều tháng, ngày với bao vất vã và lòng kiên trì, 1 niềm tin về hướng trồng rau sạch, an toàn, cuối cùng ông Đỏ cũng mua được trang trại rộng 3,5ha tại C2 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, cách xa thành phố Điện Biên Phủ 6km. Có được trang trại ưng ý, ông Đỏ bắt đầu công việc mà mọi người bảo ông là “liều mạng” khi chưa rõ bỏ 10 tỷ đồng trồng rau sạch bán cho ai? Ông Đỏ đầu tư làm nhà kính rộng hơn 1ha để trồng rau xanh, thuê 17 công nhân làm việc thường xuyên tại trang trại. Ngoài diện tích trồng rau thì ông quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng nuôi lợn sinh học...
Giống rau cải được lựa chọn kỹ từ khâu giống, chăm sóc theo kỹ thuật trồng rau sạch đã thu hút được người tiêu dùng tại thành phố Điện Biên Phủ, các huyện, thậm chí đã có các mối lái ở tận dưới xuôi lên thăm thú trang trại rau xanh, nuôi lợn sinh học của ông Nguyễn Phú Đỏ. Ảnh: Vinh Duy.
Để công nhân-vốn là nông dân chân lấm tay bùn nắm bắt được kỹ thuật trồng rau sạch, ông Đỏ không ngần ngại thuê hẳn 1 kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt về hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Những giống rau được trồng trong trang trại của ông Đỏ không phải là loại rau nào khác lạ mà vẫn là những giống rau cải, rau muống, cà chua... Nhưng khác ở chỗ rau được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật an toàn. Từng luống rau, gieo ngày nào, bón phân gì, tưới tắm liều lượng ra sao đều được kỹ sư Trần Thị Nga ghi tỷ mỷ vào cuốn sổ nhật ký.
Dưa Nhật trong trang trại rau xanh của ông Nguyễn Phú Đỏ đang cho thu hoạch, quả có vị ngon, ngọt, thơm ngon hơn so với các loại dưa khác. Ảnh: Vinh Duy.
“Phải theo dõi chặt chẽ sự sinh trưởng của rau xanh rồi nhận biết cây đang thiếu những loại khoáng chất gì để có hướng bón phân. Ở đây chúng tôi dùng toàn phân hữu cơ để chăm sóc, bón cho rau xanh, không hề dùng 1 tý phân vô cơ nào...” kỹ sư Trần Thị Nga chia sẻ. Chỉ tay ra chỗ xây dựng hơn 10 cái bể to hàng trăm mét khối, chị Nga cho biết đấy là những bể ủ phân hữu cơ để bón cho rau. “Chúng tôi lấy rơm, rạ ủ cùng phân chuồng, đậu tương, bã đậu để làm phân hữu cơ bón rau. Những loại nguyên liệu này đem lại dinh dưỡng tốt nhất cho đất, giúp đất tơi xốp, rau phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, rau xanh khi thu hoạch, chế biến vẫn giữ được hương vị thơm đặc trưng của từng giống-Đó chính là 1 trong những yếu tố rau xanh của trang trại thuyết phục được những bà nội trợ khó tính...” chị Nga cho biết thêm.
Sản phẩm rau, củ quả từ trang trại của gia đình ông Nguyễn Phú Đỏ được bày bán tại siêu thị ở thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Vinh Duy.
Tìm ra cây trồng chủ lực để xây dựng thương hiệu
Lượng rau tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Phú Đỏ chỉ đủ cung ứng một phần nhu cầu của người tiêu dùng tại thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Vinh Duy.
Nuôi lợn sinh học là 1 trong những mô hình mà ông Nguyễn Phú Đỏ dày công đầu tư, kiên trì theo đuổi và nhờ đó hút được thị hiếu của người tiêu dùng khi thịt lợn do trang trại của ông nuôi có tiếng là thơm ngon. Ảnh: Vinh Duy.
Ngoài trồng rau, ông Đỏ còn nuôi lợn sinh học chất lượng cao. Cách nuôi lợn của ông cũng khác với các chủ trang trại lợn khác. Lợn ăn thức ăn tự nhiên, không ăn cám tăng trọng. Ông Đỏ cũng không bán ra thị trường như những nơi khác mà mổ lợn, bán trực tiếp tại siêu thị để giới thiệu sản phẩm sạch của chính mình. Giới thiệu về bí quyết nuôi lợn sinh học của mình, ông Đỏ cho biết: “Tôi chọn 2 giống lợn cái Móng Cái và giống lợn siêu nạc để phối giống cho ra lợn lai có nhiều gen trội của 2 dòng lợn này vì thế thịt lợn thơm ngon. Lợn lại được nuôi tự nhiên, thức ăn chủ yếu là ngô, đậu tương được ủ lên men, rồi rau xanh trong trang trại nên rất tốt cho tiêu hóa và sự sinh trưởng, phát triển của lợn”.
Kỹ sư Trần Thị Nga-người "chỉ huy kỹ thuật" của trang trại đang kiểm tra rau sự sinh trưởng của 1 khu trồng rau xanh. Ảnh: Vinh Duy.
Những sản phẩm từ trang trại của ông Đỏ được bán tại một địa chỉ duy nhất tại thành phố Điện Biên Phủ là tại siêu thị Tâm Đỏ, tổ 3 phường Thanh Bình. Ông Đỏ cũng cam kết và chịu trách nhiệm với người tiêu dùng sử dụng sản phẩm do trang trại của ông sản xuất và cung ứng ra thị trường. Ông Đỏ cũng chia sẻ về giá bán rau sạch “Mặc dù là rau sạch, trồng và chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng tôi bán ra thị trường giá cũng không cao hơn so với các loại rau xanh trồng theo cách bình thường khác, nhưng cái được của tôi là người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm, đảm bảo sức khỏe...”.
Thu nhập trung bình từ trang trại rau sạch, lợn sinh học của ông Đỏ đã đạt được trên 300 triệu đồng/tháng, nhưng ông Đỏ vẫn chưa hài lòng với kết quả đã đạt được. “Mang tiếng là thu gần 4 tỷ đồng/năm từ trang trại, nhưng trừ chi phí tôi mới chỉ có lãi tầm 1,5 tỷ đồng. Tôi đang muốn tìm ra loại rau, củ, quả chủ lực để xây dựng thương hiệu rau đạt sản phẩm hữu cơ. Muốn làm được việc này sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nhưng khó mấy tôi vẫn sẽ làm...” ông Đỏ quả quyết...
http://danviet.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã