Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn NTM; ba xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 67 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí…; toàn tỉnh đã huy động được hơn 2,2 nghìn tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ðể đạt được những kết quả đó là do các sở, ban, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, giai đoạn thực hiện; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Ðồng thời tỉnh cũng có kế hoạch hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những mô hình thành công, kinh nghiệm, sáng tạo, cách làm hay của các địa phương trong xây dựng NTM.
Trong sản xuất nông nghiệp, thông qua nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, các xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất như chăn nuôi trâu, cá, lợn đặc sản; trồng rau an toàn, chè, cây ăn quả. Qua việc hỗ trợ sản xuất, người dân đã thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất mới; chủ động lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Chính quyền địa phương và người dân đã triển khai các mô hình sản xuất hàng hóa, tập trung để chuyển đổi cơ cấu phù hợp với điều kiện từng vùng mang lại hiệu quả, đạt giá trị kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Kim Phú (huyện Yên Sơn) Lưu Hồng Châm chia sẻ: Sau bảy năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Từ việc xây dựng NTM giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt được hiệu quả cao hơn so với trước đây. Hiện nay, xã có 80 ha gieo cấy lúa chất lượng cao. So với gieo cấy lúa truyền thống, lúa chất lượng cao cho thu nhập cao hơn 300 nghìn đồng/sào/vụ. Ngoài ra, trên địa bàn đang có hơn 60 ha trồng bưởi diễn, mỗi héc-ta cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Trong bốn năm trở lại đây, xã đã phát triển mở rộng, trồng được khoảng 30 ha ổi với mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm.
Nổi bật trong xây dựng NTM ở Tuyên Quang là việc bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Ðến nay, tỉnh đã thực hiện bê-tông hóa được gần 3.000 km đường giao thông, gồm đường trục xã, trục thôn, liên thôn, đường nội đồng và kiên cố hóa 2,3 nghìn km kênh mương; riêng hai năm 2016 và 2017, làm được 160 km đường nội đồng, kiên cố hóa 230 km kênh mương. Từ một xã còn gặp nhiều khó khăn, giờ đây xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM; trong đó, đã thực hiện tốt việc bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng Ngô Ðức Tuyên, đến nay, xã đã xây dựng được 132 km đường bê-tông nông thôn; kiên cố hóa 28/30 km kênh mương nội đồng, bảo đảm nước tưới cho 335 ha diện tích cấy lúa. Qua đó góp phần tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa cho bà con nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Anh Lương Xuân Kỳ, ở xã Mỹ Bằng cho biết, từ khi xã triển khai xây dựng NTM đã giúp người dân sản xuất, chăn nuôi thuận lợi hơn nhờ có đường giao thông đến từng cánh đồng, từng trang trại. Trước đây, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều trở ngại do đường giao thông khó khăn, thì nay đã dễ dàng hơn do đường đã được bê-tông hóa đến tận trang trại.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm nay Tuyên Quang phấn đấu nâng số tiêu chí xây dựng NTM bình quân toàn tỉnh đạt hơn 13 tiêu chí/xã; phấn đấu có thêm sáu xã đạt chuẩn NTM; duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở 23 xã đã đạt chuẩn NTM. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương; thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng NTM; xây dựng dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện chương trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; rà soát, phân loại các dự án đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để có cơ chế lồng ghép và sử dụng hợp lý nguồn vốn theo từng chương trình, dự án; huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng NTM; ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn NTM trong năm 2018.
Theo Phúc Đạt - Hải Chung/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã