Hiệu quả từ dồn điền đổi thửa
Ông Trương Mậu Nhân, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn, cho biết: Xã triển khai XDNTM từ năm 2011, theo rà soát lúc đó mới đạt 5 tiêu chí. Ban đầu xã gặp không ít khó khăn, bởi đây là chương trình mới đối với cả cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân; đồng thời lại phải trực tiếp phụ trách việc quy hoạch, lập đề án.
Nhận thức đúng về XDNTM là điều kiện tiên quyết cho sự thành công phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền xã Lam Sơn xác định công tác tuyên truyền, vận động để cho người dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM là đặc biệt quan trọng. Bằng nhiều hình thức khác nhau, xã duy trì đều đặn việc tuyên truyền, vận động và quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, phát động các đoàn thể quần chúng tham gia. Người dân trong xã cũng dần hiểu được những công trình, cơ sở vật chất là để phục vụ cho chính mình và con cháu mai sau.
Xác định mục tiêu của XDNTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng thay đổi, xã tập trung chỉ đạo, vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Xác định được điều đó, Lam Sơn đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại đổi thay tích cực trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Năm 2014, Lam Sơn đã tổ chức và hoàn thành dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, trồng những loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Sau dồn điền, xã đã xây dựng vùng sản xuất chuyên canh rau màu được nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống tưới nước tiên tiến tại thôn Kim Trang Đông với quy mô 40ha và trên 10ha trồng cây ăn quả.
Lợi ích sau dồn điền đổi thửa là ruộng to, bờ lớn, cơ giới hóa từng bước được đưa vào áp dụng, tạo thuận lợi cho nông dân tổ chức sản xuất, giảm bớt ngày công, giảm chi phí đầu tư nên bà con rất phấn khởi…
Phát triển sản xuất ngành nghề
Giúp người dân có kiến thức cơ bản áp dụng trong thực tiễn, Lam Sơn mở các lớp đào tạo nghề tại xã như: sản xuất áo mưa; nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi…
Nhờ đó, xã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Như mô hình sản xuất áo mưa của hộ ông Trần Văn Chung (thôn Thọ Trương), tạo việc làm cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Trước đây, gia đình ông Mai Văn Từ (thôn Kim Trang Đông) chỉ có vài sào ruộng nằm rải rác khắp cánh đồng của thôn. Sau khi xã dồn điền đổi thửa, ông nhận toàn bộ diện tích đất trũng xấu nằm ở rìa đường để tiện cho việc sản xuất. Hiện gia đình ông có hơn 4.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng hoa cúc, hoa hồng và hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, ông Cương (thôn Kim Đông) đầu tư trồng khoai lang Hoàng Long. Theo ông Cương, trồng khoai lang ít phải dùng thuốc trừ sâu, ít rủi ro hay mất mùa như các cây trồng khác. Tính riêng vụ này, khoai lang cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng/mẫu (1 mẫu = 3.600m2)…
Có thể nói, sau 7 năm triển khai Chương trình XDNTM, nhờ có sự thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân, kinh tế Lam Sơn ngày một phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đây chính là nhân tố quan trọng, là động lực mạnh mẽ để xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016.
Kết quả này cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM là hợp lòng dân. Và là tiền đề để Lam Sơn tiếp tục giữ gìn, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Theo Đức Sơn/Báo KTNT.vn