Cơ duyên đưa chị Duyên đến với nghề chăn nuôi bắt đầu từ năm 2009. Thời điểm này, chị mạnh dạn đầu tư vào làm trang trại, chủ yếu nuôi lợn thịt kết hợp với lợn sinh sản để cung cấp con giống và lợn thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Là trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hơn nữa, thời điểm này lợn được giá nên có năm chị Duyên thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, không được bao lâu, giá lợn giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục phi mã khiến chị thua lỗ nặng, phải đóng cửa trang trại.
Vô tình, trong một lần xem ti vi, chị Duyên thấy mô hình nuôi chim trĩ đỏ ở Hà Nam mang lại hiệu quả cao. Với quyết tâm vực dậy nghề chăn nuôi, chị xuống tận nơi tham quan, học hỏi cách chăm sóc, phòng trừ bệnh cho chim trĩ đỏ. Khi về, chị quyết định mua 100 con nuôi thử nghiệm. Bằng sự khéo léo, ham học hỏi, không lâu sau, chim bắt đầu đẻ trứng, số lượng chim bố mẹ tăng lên từng ngày. Do chim trĩ chỉ biết đẻ mà không biết ấp nên chị Duyên chủ động cho ấp bằng gà, về sau chị mua lò ấp để ấp với số lượng lớn.
Chim trĩ con một phần chị bán làm giống, một phần giữ lại nuôi lớn bán chim thịt. Do chim sinh sản tốt, đẻ với số lượng lớn trong thời gian dài nên bước sang năm 2012, gia đình chị lãi tới 90 triệu đồng từ việc bán chim giống và chim thịt. Năm 2013, chị tiếp tục đầu tư thêm trang trại ở huyện Trấn Yên (Yên Bái), đồng thời tăng số lượng chim sinh sản, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Chị Duyên tâm sự: “Chim trĩ đẻ rất tốt, liên tục trong thời gian dài. Đến nay, đàn chim của gia đình lên tới 500 con. Chỉ tính từ tháng 11/2013 đến nay, gia đình đã thu được 125 triệu đồng từ bán chim giống, 80 triệu đồng từ chim thịt”.
Không dừng lại ở việc nuôi chim trĩ đỏ, chị Duyên còn học hỏi kinh nghiệm, mua đà điểu, gà hoàng gia (quý phi), gà chín cựa, gà Đông Tảo về nuôi. Mô hình nuôi đà điểu cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao khi chị chỉ nuôi thí điểm 30 con nhưng số tiền lãi lên tới 60 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, chị Duyên tâm sự: “Cả chim trĩ và đà điểu đều ưa sống hoang dã nên sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, để hạn chế dịch bệnh, cần thường xuyên làm công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng”.
Hiện, chị Duyên đang nuôi 50 con đà điểu, một số chị nuôi tại trang trại của gia đình, số còn lại chị cung cấp giống cho một số hộ dân xung quanh nuôi. Với cách làm này, gia đình chị đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Theo chị Duyên, thị trường tiêu thụ của chim trĩ và đà điểu luôn rộng mở nên thời gian tới, chị tiếp tục mở rộng cả về quy mô và số lượng.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Lê Hải Nam, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Mô hình nuôi chim trĩ đỏ, đà điểu của gia đình chị Duyên được đánh giá rất khả quan. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức cho nông dân tham quan, đồng thời tư vấn kỹ thuật để bà con có thể áp dụng mô hình này”.
Hoàng Văn
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã