“Sang trang mới”, Tân Lập lập lại quy hoạch sản xuất. Xã xác định nông nghiệp là một ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ nâng, tỷ lệ quay vòng đất để nâng cao thu nhập trên một diện tích đất canh tác, thông qua chương trình phát triển cây lúa lai, mở rộng diện tích lúa mùa trung vụ, tăng diện tích cây vụ đông, chuyển đổi vùng đất trũng trồng cây lúa kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt, nước lợ, v.v.. Đặc biệt, xã chú trọng khuyến khích các hộ gia đình mở kinh tế trang trại, gia trại, xã tạo điều kiện, cho vay vốn, tạo quỹ đất…
Đoàn thẩm định “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá” của tỉnh thăm trang trại tổng hợp của anh Lê Văn Tân (thôn Đông Hà, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà), tháng 4-2014. |
Tân Lập là xã ven biển có diện tích mặt nước hơn 5.000ha, hiện có 200/908 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Từ thế mạnh này, xã chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Xã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn ngân hàng để đóng mới sửa chữa các phương tiện tàu, bè đánh bắt, nuôi trồng, mua con giống, mở rộng quy mô nuôi. Xã thường xuyên phối hợp mở các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ một số bệnh thông thường của thuỷ sản, gia súc, gia cầm…, giúp ngươi dân chủ động việc phòng trừ dịch bệnh.
Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của anh Lê Văn Tân ở thôn Đông Hà. Trang trại của anh nằm giáp khu vực bãi triều. Anh quy hoạch phía bãi triều nuôi cá, trên bờ nuôi 600 con vịt, 250 con ngan, khu đất cao hơn xây dãy chuồng duy trì nuôi khoảng 100 con lợn. Anh Tân cho biết: “Vào mùa mưa bão nước tràn vào trang trại của tôi, ngập cao hơn 1m. Từ đó, tôi đưa có hướng chăn nuôi để xuất bán lợn trước mùa mưa. Sau những ngày nước biển rút, tôi làm sạch chuồng trại. Điều hay là nước biển có muối, tính sát trùng rất tốt, tránh được nhiều dịch bệnh. Ở khu vực ao, tôi nuôi cá vược và cá rô phi lai, là những loài cá hợp với môi trường nước lợ. Vịt, ngan ăn tôm, tép ở nước nhiễm mặn, hàng ngày đẻ ra vài trăm quả trứng có hương vị đặc biệt hơn so với vịt nuôi ở môi trường nước ngọt, nên sản phẩm trứng vịt của tôi bán rất chạy”. Trang trại của anh Tân là một trong các mô hình điểm mà xã đang vận động các hộ phát triển kinh tế theo hướng này.
Bên cạnh chú trọng các mô hình sản xuất trong nông nghiệp, ngư nghiệp, xã cũng khuyến khích người dân trồng rừng và phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Năm 2013, giá trị sản xuất của xã đạt 66,26 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 17,2 triệu đồng/năm. Toàn xã không còn nhà tranh tre dột nát, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,87%.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hoá tinh thần của người dân cũng được nâng lên. Hiện 8/8 thôn của xã đạt thôn văn hoá, trong đó có 3 thôn đạt lần thứ hai. Các thôn đều có hương ước, quy ước về thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư. Nhờ đó, khi xã phát động người dân làm đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đã có 200 hộ tình nguyện hiến hơn 20 nghìn m2 đất để làm 5km đường giao thông, vốn tổng đầu tư 5 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp có 3 tỷ đồng. Với những thành tích đạt được trong xây dựng xã nông thôn mới, năm 2013 Tân Lập được Bộ Trưởng Bộ GT-VT tặng bằng khen về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2008-2013; trước đó năm 2012 được UBND tỉnh tặng bằng khen về thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2012; gần đây nhất, ngày 16-4-2014 tại hội nghị tuyên dương các điển hình trong phong trào xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá” năm 2013, Tân Lập là một trong 4 xã của tỉnh được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc.
Anh Vũ
theo baoquangninh