Năm 2008, thấy con ếch là loại dễ nuôi ở điều kiện đồng bằng sông Cửu Long, nên anh Nữa quyết định về trại giống thủy sản của người anh tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) để mua 7 cặp ếch giống sinh sản. Chuyện chăn nuôi ếch bước đầu gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trong nuôi ếch và cho ếch sinh sản nhân tạo.
Anh Nguyễn Văn Nữa bên sản phẩm ếch sạch sấy khô và chà bông ếch.
Tuy nhiên, với tính cần cù, chịu khó, anh Nữa vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn và học thêm từ sách báo, tài liệu về chăn nuôi ếch. Từ đó, những vụ nuôi ếch bắt đầu có lãi giúp anh thu về vài triệu đồng mỗi tháng.
Với diện tích hơn 5.000 m2, anh Nữa đã đầu tư xây dựng bể xi măng, đào ao nuôi ếch, theo mô hình nuôi ếch sạch không sử dụng kháng sinh, con giống đảm bảo chất lượng, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi với mật độ vừa phải…
Hiện tại, trại ếch anh Bảy Nữa đã cung ứng thị trường ếch thịt và giống cho các tỉnh ĐBSCL và Đà Nẵng, Hà Nội mỗi năm lên hàng trăm ngàn con giống. Không dừng ở sản xuất con giống và nuôi ếch thương phẩm, anh còn tính đến chuyện đột phá mô hình làm chà bông ếch và khô ếch sạch sấy khô. Thế nhưng, việc làm chà bông và khô ếch gặp không ít khó khăn về kỹ thuật và thị trường.
Những đợt khô ếch đầu tiên liên tiếp thất bại vì phơi quá khô sẽ mất vị ngọt, ngon của ếch, còn phơi không khô thì không thể bảo quản được. Khó khăn chồng chất khó khăn, gia vị và hương liệu khác nhau vì mỗi lần mỗi khác. Thất bại cứ nối tiếp nhau làm gia đình anh Nữa phải lỗ hơn trăm triệu đồng.
Được hướng dẫn từ người bạn ở TP. Cần Thơ, anh Nữa đã khắc phục khó khăn, hoàn thiện sản phẩm. Khô ếch và chà bông ếch được anh chào hàng tại các khu du lịch, điểm dừng chân, quán ăn, quán nhậu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm đã được bạn bè, người thân, du khách vô cùng thích thú và nhiều người ăn riết rồi đâm ra ghiền.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Nữa đã đầu tư máy móc để có thể đóng gói, chế biến khô và chà bông ếch. Hiện tại, mỗi tháng gia đình anh cũng ứng ra thị trường 100 kg khô ếch với giá 400.000 đồng/kg và 200 kg chà bông ếch với giá 700.000 đồng/kg; mỗi năm cung ứng từ 1 - 2 tấn trứng ếch giống với giá 300.000 - 600.000 đồng/kg; hơn 1 triệu con giống với giá từ 500 - 800 đồng/con.
Lợi nhuận mỗi năm từ việc chăn nuôi ếch đến chế biến sản phẩm hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, những phụ phẩm sau khi chế biến ếch, anh Nữa tận dụng làm thức ăn để nuôi hơn 2.000 con ba ba, tăng thêm lợi nhuận.
Anh Nữa cho biết: “Sắp tới sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng trang trại nuôi ếch sạch, quản lý chặt con giống đầu vào, thức ăn đảm bảo không sử dụng chất cấm, đồng thời không sử dụng kháng sinh và quản lý tốt dịch bệnh. Sản phẩm sạch và an toàn mới có thể đứng vững và hướng đi lâu dài”.
Bằng những nỗ lực và vượt khó không ngừng, anh Nữa đã nhận được nhiều giấy khen từ UBND huyện Tháp Mười và năm 2016, sản phẩm ếch sạch sấy khô và chà bông ếch được chứng nhận là Top 100 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng của Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức bình chọn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã