Theo chân cán bộ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đến thăm vườn cam sành của ông Trần Thành Có tại xã Hiếu Liêm. Nhìn vườn cam trĩu quả của ông nối tiếp những vườn cam của các hộ nông dân khác chạy dài xanh tốt thay cho những vườn mía, vườn mì úa lá ngày nào, chúng tôi cảm nhận vùng “đất thép” năm xưa giờ đã thay da đổi thịt từng ngày. Chỉ tay vào vườn cam 2 ha với những gốc cam cho trái trĩu cành, ông Có cho biết: Lứa này ép ra trái nghịch vụ để bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay cho được giá. Nhìn sang vườn cam vừa thu hoạch, ông chia sẻ: “Đây là hơn 2 ha cam vừa cho thu hoạch hơn 100 tấn trong tháng 10. Với giá bán 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn một tỷ đồng”.
Gần vườn cam của hộ gia đình ông Có, ông Trần Hữu Đức có 5 ha cam sành, mỗi năm cũng mang lại thu nhập hơn bốn tỷ đồng. Nhân rộng mô hình, ông Đức và ông Có cùng 10 hộ nông dân khác đã góp đất, góp vốn thành lập Hợp tác xã Nhân Đức. Đến nay, hợp tác xã có 15 ha cam đang cho trái ngọt và đang trồng mới 50 ha cam theo hướng cơ giới hóa 100%, với vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đồng. Theo ông Đức, để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được thuận lợi trên diện tích cam mới trồng, Hợp tác xã Nhân Đức đã đầu tư năm tỷ đồng kéo đường điện ra tận các vườn cam và trang bị hệ thống tưới áp lực tự động, đẩy nước từ sông Bé dài hơn 5 km để tưới nước cho vườn cam.
Thực tế, cây cam, cây quýt mới phát triển gần mười năm trở lại đây tại Bắc Tân Uyên, khi những nông dân đồng bằng sông Cửu Long khám phá ra vùng đất này thích hợp để canh tác. Là người đưa cây cam từ đất Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp lên bén rễ trên vùng đất mới, ông Lâm Thành Thắm ở xã Hiếu Liêm hiện có vườn cam thuộc diện lớn nhất tỉnh với diện tích khoảng 150 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Kể chuyện “se duyên” cho cam với vùng đất này, ông Thắm cho biết: "Đất ở đây không có phù sa như miền Tây, nhưng độ màu mỡ thì có thừa và thoáng khí, cao độ tốt nên dễ dàng áp dụng khoa học kỹ thuật. Để cho trái nghịch mùa được giá, tôi thử nghiệm thành công phương pháp dùng tấm bạt ni-lông phủ lên những liếp cam nhằm chủ động, kiểm soát được nguồn nước tưới và bón phân, thuốc cho cây. Phương pháp này hiện là bí quyết “ép nước” cho trái nghịch mùa bằng cách tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây, được bà con nông dân học tập và áp dụng rất hiệu quả".
Từ thành công của ông Lâm Thành Thắm, mô hình trồng cây có múi đã lan nhanh trong các xã Hiếu Liêm, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định với hàng trăm hộ nông dân tham gia và có thu nhập rất tốt. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây 2 ha tại xã Lạc An, ông Nguyễn Trung Châu cho biết, mỗi năm vườn cam và bưởi của ông cho thu nhập gần một tỷ đồng. Tại xã Tân Định, giới thiệu về vườn cam gần 70 ha trồng theo công nghệ mới bằng hệ thống tưới tiêu tự động, ông Lâm Thành Thương cho biết, trồng gần ba năm là cho thu hoạch, với kỹ thuật này cho năng suất rất cao. Đứng trên triền đồi chỉ tay về vườn cam xanh tốt, ông Thương nói: “Cái khó để cây có múi phát triển chính là nguồn nước. Nhưng hiện nay, với công nghệ tưới tiêu hiện đại, hút nước từ cả chục ki-lô-mét để bơm xa, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được để cho trái nghịch mùa, tôi tin rằng dù đất khô cằn cũng phải nở hoa thơm”.
Là nông dân gắn bó với nông nghiệp, từng chứng kiến vòng luẩn quẩn của các loại cây trồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm Nguyễn Văn Đạt cho biết: Những năm gần đây, khi cây có múi “hợp duyên” với vùng đất này đã nhanh chóng trở thành cây “vua” cho thu nhập rất cao. Thời gian qua, giá cam dao động từ 25 đến 35 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất 14 nghìn đồng/kg, mỗi năm 1 ha cam cũng cho nông dân thu lợi hơn 450 triệu đồng. Vì vậy ở Hiếu Liêm và các xã lân cận, không có cây trồng nào là "đối thủ" về hiệu quả kinh tế so với cây có múi hiện nay.
Theo UBND huyện Bắc Tân Uyên, huyện đã hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả tập trung chủ yếu ở các xã ven sông Bé và sông Đồng Nai. Đến nay đã phát triển hơn 1.500 ha cây có múi tại các xã Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân và Tân Định. Kế hoạch đến năm 2020, huyện đưa diện tích vùng chuyên canh cây có múi tăng lên 2.000 ha. Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, huyện khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp sức cho nông dân làm giàu, tỉnh Bình Dương cũng đã vào cuộc với nhiều chương trình hỗ trợ và khuyến khích được triển khai như: dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP, dự án hỗ trợ sản xuất phát triển vùng cây ăn quả có múi, dự án hỗ trợ trồng trọt thực hiện VietGAP trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên… Thông qua các dự án này, tỉnh hỗ trợ, giúp nông dân về kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, nhiều vườn cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP của nông dân phát triển tốt tăng nhanh về diện tích.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết: Cây có múi đã góp phần nâng cao đời sống, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn trong và ngoài địa phương với thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng đến sáu triệu đồng/tháng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tại đây đã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia ở các xã này đã không còn từ lâu, hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh còn không đáng kể, như xã Hiếu Liêm chỉ còn hai hộ nghèo, xã Tân Định còn bốn hộ nghèo… Hiệu quả từ phát triển cây có múi còn giúp huyện Bắc Tân Uyên đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 5/10 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng nông dân đua nhau phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng cây có múi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết: Tỉnh đang khuyến khích phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản. Hiện nay, hiệu quả từ trồng cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên rất cao nhờ nông dân áp dụng thành thạo kỹ thuật cho trái nghịch mùa. Song để cây có múi tại huyện Bắc Tân Uyên nói riêng và các loại cây trồng của nông dân nói chung phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo ngành nông nghiệp khảo sát, đánh giá vùng đất nào thích hợp với cây gì, chi phí đầu tư ra sao, từ đó tính toán ra hiệu quả kinh tế để khuyến cáo nông dân cân nhắc trước khi trồng. Có như vậy mới vừa giúp ngành nông nghiệp phát triển, vừa giúp nông dân tránh những mùa “trái đắng”.
Theo Nhân dân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã