Về thôn Lệ Sơn 2, hỏi nhà ông Hoàng, chúng tôi được chỉ dẫn tận tình bởi ai cũng biết về sự cần cù lao động, nhất là cái tài nuôi lợn của ông. Trên khoảng đất 200m2, ông tự tay thiết kế 12 ô chuồng, mỗi ô nuôi 7-8 con với diện tích 0,6 m2/con.
Nói về nuôi lợn, ông Hoàng bảo với chúng tôi rằng, đó là một nghề. Khi mới ra trường, làm ngành điện dân dụng, lương tháng chẳng bao nhiêu và xa nhà, còn vợ thì làm công nhân, không có điều kiện lo cho ba con ăn học.
Được người dân trong làng tư vấn, năm 2009, ông bắt đầu nuôi lợn thịt. Ngày đó, ông chỉ cho lợn ăn rau, cỏ, lấy công làm lãi. Do đó thu nhập cũng chẳng ăn thua. Đặc biệt, kinh nghiệm không có nên lợn thường bị dịch bệnh. Thế nhưng, ông vẫn quyết đeo bám nghề nuôi lợn.
Ông bắt đầu tham gia các chương trình, các lớp hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn. Cùng với chút kinh nghiệm và vốn liếng tích lũy được, ông đầu tư cơi nới thêm chuồng trại. Đến nay, trại của ông có hơn 90 con thịt siêu nạc.
“Để có giống tốt, tôi đích thân đến các cơ sở sản xuất giống ở Bình Định, Quảng Ngãi tìm hiểu và lựa chọn. Mặc dù giá mua cao hơn nhưng trọng lượng và chất lượng hơn giống lợn ở địa phương”, ông nói.
Loại bỏ cách nuôi truyền thống, ông chuyển sang nuôi công nghiệp. Không chỉ cho ăn rau, cỏ, cộng thêm cám công nghiệp, ông Hoàng còn tận dụng nguồn thức ăn dư thừa ở chợ, quán ăn trên địa bàn làm thức ăn cho lợn. Cũng vì thế, lứa lợn nào của ông cũng lớn nhanh nhưng chất lượng thịt vẫn thơm ngon.
Hỏi về kinh nghiệm, ông Hoàng trải lòng: “Nuôi lợn ngoài chú ý phòng chống dịch bệnh, người nuôi phải nắm bắt thời tiết. Chuồng trại cần giữ sạch sẽ, thoáng mát. Mùa hè nên nuôi mật độ thấp; mùa đông chuồng cần tránh gió lùa; thời tiết ấm áp có thể nuôi với mật độ cao hơn. Quan trọng nhất là phải thường xuyên sát trùng chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng thời kỳ; chế độ ăn phải hợp lý theo trọng lượng của lợn. Ngoài nguồn thức ăn công nghiệp, cần bổ sung một lượng phù hợp tinh bột cần thiết để tránh các bệnh do thiếu đạm”.
Trung bình lợn nái sinh sản 4 tháng/lứa. Đàn lợn thịt xuất bán 5-6 lần/năm (20 - 30 con, mỗi con nặng 80-100 kg). Trừ chi phí, mỗi năm ông lãi ròng gần 150 triệu đồng.
Hướng tới chăn nuôi sạch, ông Hoàng còn đầu tư xây hầm biogas để xử lý nước thải và lấy gas phục vụ sinh hoạt.
Nói về nuôi lợn thời điểm này, ông Hoàng trăn trở: “Giá lợn thì quá thấp, trong khi giá thức ăn lại quá đắt đỏ. Người nuôi không tính toán kỹ rất dễ thua lỗ. Giá như Nhà nước quản lý chặt giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào thì người chăn nuôi mới sống khỏe”.
Nguyễn Trang
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã