CCB Trần Văn Thành thôn Đồng Hưng, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đang chăm sóc chim bồ câu.
Nhập ngũ năm 1976 được biên chế về Tổng cục Kỹ thuật, tháng 2-1979 ông tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc. Đến tháng 8-1981 ông xuất ngũ về địa phương tham gia phát triển kinh tế gia đình. Ông đã làm rất nhiều nghề, từ đánh bắt cá xa bờ, làm vó mực ở vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh rồi có quãng thời gian vào Sóc Trăng phát triển nuôi tôm công nghiệp. Năm 2012, do điều kiện sức khỏe, ông đã bán đầm tôm về địa phương. Bài toán về phát triển kinh tế của ông tại địa phương thời gian đầu khi quay trở về gặp không ít khó khăn. Ông đã liên lạc với bạn bè đồng ngũ làm trang trại, gia trại, tìm hiểu các mô hình kinh tế qua đài, báo rồi lên mạng tìm hiểu về các mô hình hiệu quả phù hợp. Ông còn cất công vào tận Thanh Hóa, lên Bắc Giang tìm hiểu và nhận thấy nhiều mô hình phù hợp như nuôi lợn, nuôi gà, phát triển trồng cây dược liệu... Tham khảo nhiều mô hình, trong đó nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu Pháp là một mô hình mới, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình ông và không tốn nhiều công chăm sóc, quy trình xây dựng chuồng trại và kỹ thuật nuôi dưỡng không cầu kỳ, diện tích không quá tốn kém nên ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại và nhập giống về nuôi. Với sự nhiệt tình giúp đỡ của các đồng đội đã giúp ông tích lũy được những kinh nghiệm, biện pháp chăn nuôi sao cho hiệu quả nhất. Năm 2014, ông mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại trên diện tích 80m2, xây dựng xong chuồng trại ông đã nhập 40 con giống bố mẹ chim bồ câu Pháp từ Nga Sơn (Thanh Hóa) về nuôi và gây giống. Bên cạnh đó, ông rất chú trọng đến nguồn thức ăn cho đàn chim bồ câu bởi đó là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giá cả khi xuất chuồng. Với giống chim này nhanh lớn lại dễ tiêu thụ, sau 40-50 ngày, chim thịt có thể xuất chuồng nặng khoảng 0,5kg/con. “Ngày ngày tôi phải thường xuyên kiểm tra chuồng trại, lượng thức ăn mà chim tiêu thụ, nghe tiếng kêu của chim là tôi có thể biết được nó có bị bệnh hay không. Bên cạnh việc chọn giống chim tốt thì kỹ thuật phòng bệnh cũng rất quan trọng, nếu để chim bị nhiễm bệnh rất dễ lây lan sang cả đàn ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người chăn nuôi, ngoài ra vệ sinh chuồng trại cũng là khâu rất cần thiết để đảm bảo sự thông thoáng và phát triển nhanh của đàn, ông Thành cho biết. Ngoài việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi hiện đại, ông còn thực hiện tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn chim theo đúng quy định 6 tháng/lần. Phân thải của chim còn được tận dụng làm phân bón cho rau màu và làm thức ăn cho cá. Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, tiêm phòng vắc-xin và xử lý chất thải nên đàn chim của gia đình ông ít bị dịch bệnh. Hiện tại, gia đình ông đã xuất bán được 130 đôi, trừ chi phí thu lãi được hơn chục triệu đồng. Từ hiệu quả ban đầu, dần dần có vốn, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi và số lượng đàn chim để đạt hiệu quả hơn nữa. Thời gian tới, ông tiếp tục gây giống và phát triển số lượng đàn chim nhiều hơn nữa để cung cấp nguồn thực phẩm tiềm năng tới người tiêu dùng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thành luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong các phong trào từ thiện tại địa phương. Ông thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xóm, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình với các hội viên CCB khác. Với vai trò là trưởng thôn Đồng Hưng, là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, ông thường xuyên vận động bà con tích cực xây dựng đời sống văn hóa trong từng khu dân cư, động viên mọi người cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Về với đời thường CCB Trần Văn Thành luôn cần cù sáng tạo trong sản xuất, tìm tòi ra mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng.
Văn Huỳnh
Nguồn: Báo Nam Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã