Quê mới vùng biên giới
Năm 1978, khi rời Nhà máy cơ khí Thanh Hóa ở quê nhà lên biên giới phía Bắc theo lệnh tổng động viên, ông Hồ Hữu Hải, hội viên HLV Cao Lộc không ngờ rằng đây là quê hương thứ 2 của mình. Rời quân ngũ (năm 1997), ông ở lại Lạng Sơn lập gia đình, cùng bà con địa phương đẩy lùi giặc đói nghèo, gắn trọn cuộc đời mình nơi biên cương Tổ quốc.
Sau khi xuất ngũ, ông Hải được giao 6,5ha đồi trọc chỉ có sim, mua, cỏ ràng ràng và cỏ tranh. Làm sao để cỏ dại thành quả ngọt là nhiệm vụ của ông và những đồng đội năm xưa. Ông Hải nhớ lại, đào hố sâu 70-80cm để trồng cây vẫn còn đá, sỏi, phải tìm đất màu mỡ ở nơi khác đổ vào mới trồng được. Một mình làm không nổi thì vận động anh em chung chiến hào năm xưa, bà con hàng xóm lúc nông nhàn cùng làm. Kết quả là, sau hàng ngàn ngày công, 6,5ha đồi trọc dần thành vườn cây ăn quả, rồi thành trang trại VAC như ngày nay.
Ông Hải chăm sóc vườn đào cảnh.
Qua nhiều năm tích cóp, lấy ngắn nuôi dài: trồng đậu, đỗ, khoai sắn, kết hợp với chăn nuôi, thả cá để cải tạo đất, ông Hải mạnh dạn trồng chè búp, mận cơm, hồng Bảo Lâm, xoài, nhãn; chăn nuôi gà, lợn, dê, thu hoạch hàng trăm triệu đồng/năm. Càng làm nghề, càng say mê và ông trở thành hội viên HLV từ bấy đến nay. Nhờ tham gia hoạt động Hội, ông có điều kiện giao lưu học hỏi và đem về Lạng Sơn nhiều loại cây trồng mới như dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), hồng Bảo Lâm, cao su và gần đây là cây sưa.
Cùng chiến hào biên giới phía Bắc với ông Hải, ông Vy Văn Chàng, dân tộc Nùng, khối 9, thị trấn Cao Lộc cho biết, ông đi bộ đội năm 1977, trực tiếp tham gia chiến tranh biên giới năm 1979. Năm 1983 xuất ngũ, ông công tác tại Công ty Lương thực Lạng Sơn. Năm 2003, ông nghỉ hưu, chuyển sang buôn bán vật tư nông nghiệp nhưng mỗi lần giao lưu bạn bè, thấy những người lính năm xưa miệt mài trên đồng ruộng, cải tạo đồi trọc thành vườn cây ăn trái ông cũng bị cuốn hút. Vậy là, ông bắt tay vào làm VAC từ năm 2006 đến nay.
Về thăm trang trại của ông Chàng, chúng tôi mới thấy hết nỗi vất vả, cực nhọc của hội viên HLV vùng cao biên giới. Gần đây nhất, năm 2013, khi đàn lợn trên 100 con của ông đến ngày xuất chuồng, ông và con trai phải lùa chúng (mỗi lần vài chục con) từ dưới khe suối lên đỉnh đồi mới có đường đi để chuyển ra xe ôtô. Trang trại của ông nằm dưới khe suối một thung lũng hẹp, ở đây có nước quanh năm để tưới cho cây cối trồng men theo sườn núi. Nhưng để có được khoảng đất rộng làm lán trại thuận tiện đường giao thông thì không hề đơn giản. Không máy móc, chỉ có sức người, gia đình ông phải bỏ hàng ngàn ngày công, bạt núi, mở đường, san đất trồng cây, san đến đâu, trồng đến đấy mới có cơ ngơi như hôm nay.
Hiện, cha con ông Chàng đang mở đường để xe ô tô vào chở lợn dễ dàng hơn. Dự tính, khi có đường, ông sẽ nuôi lợn rừng, nấu rượu, thả cá và nuôi gà, vịt; trồng cây ăn quả: trám đen, trám trắng; mận cơm, hồng, nuôi ong.
Hội viên HLV thứ 3 trong chiến tranh biên giới phía Bắc chúng tôi gặp là ông Hoàng Văn Phương, dân tộc Nùng, khối 9, thị trấn Cao Lộc. Ông Phương cho biết, ông xuất ngũ năm 1990 và tham gia làm ruộng cùng gia đình từ bấy đến nay. Tuy nhiên, do cấy lúa thu nhập thấp, không có lãi, nên vẫn đói. Nhờ tham gia HLV, ông được tuyên truyền chuyển đổi từ cây lúa sang trồng khoai môn, cây đặc sản của địa phương hơn 10 năm nay nên kinh tế có phần dư giả. 1kg khoai môn giá bán tại ruộng 20.000 đồng, nhà ông có 7 sào ruộng, với năng suất bình quân 4 tạ/sào, thu lãi 200 - 300 triệu đồng/năm.
Ruộng khoai môn nhà ông Phương chuyển từ đất lúa.
Khoai môn chỉ trồng 6 tháng, thời gian còn lại ông Phương trồng rau màu như: ngồng cải, bắp cải, các loại đỗ (Hà Lan, côve, đỗ ván) cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi gà, vịt, lợn, lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm.
Thất thu vì lò gạch thủ công
Điều mà những cựu chiến binh hết sức trăn trở là, các lò gạch thủ công quanh thị trấn Cao Lộc tồn tại hơn nửa thế kỷ nay, nhả khói ngày đêm, khiến cho cây cối của hầu hết các trang trại trong vùng không đơm hoa kết trái, gây thiệt hại không nhỏ cho hội viên HLV nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Riêng trang trại của ông Hải hiện không còn cây ăn trái nữa, ông đã chuyển dần sang trồng thông, cây cảnh và nay là cây sưa. Những năm gần đây, ông còn trồng đào cành, đào thế, nhưng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, Tết Nguyên đán Ất Mùi thất thu.
Cũng như ông Hải, gia đình ông Chàng có trên 10 tổ ong rừng, nay khói lò gạch xả trắng trời khiến ong bay đi hết, chỉ còn vài ổ, cho mật không đáng kể.
Ông Phương và đa số người dân khối 9 cũng cho biết, chỉ riêng khối 9 đã có trên dưới 30 lò gạch thủ công. Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, khói lò gạch còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, chưa hề thấy ngành chức năng, chính quyền địa phương đứng ra can thiệp khiến người dân không thể yên tâm mở rộng sản xuất.
Dương An Như
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã