Đối với nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang, chanh không hạt không chỉ là cây giảm nghèo, mà còn là cây trồng giúp nhiều nông dân làm giàu. Ở ấp Phú Quới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, rất nhiều hộ dân trồng và làm giàu từ chanh không hạt.
Điển hình như hộ ông Tô Chí Thâm (ấp Phú Quới), với 400 cây chanh không hạt trồng trên diện tích 6.000m2, trung bình mỗi năm gia đình ông bán ra thị trường hơn 20 tấn trái, thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. Cũng như ông Thâm, với 6.000m2 đất trồng chanh không hạt, ông Nguyễn Thành Phát, ngụ ấp Phước Thạnh (xã Đông Thạnh) thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Ông Phát cho rằng: “Chanh không hạt cho trái quanh năm lại rất dễ trồng nên bà con ở đây chọn làm cây trồng chủ lực để phát triển sản xuất. Nếu áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, mỗi năm, cây có thể cho năng suất từ 25 - 30 tấn trái/ha”. Chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh và ít tốn công chăm sóc, thời gian từ khi trồng cho đến thu hoạch ngắn (khoảng 18 tháng). Hiện nay, loại chanh này có nơi bao tiêu, thu mua rất ổn định với giá cả hợp lý.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 700ha trồng chanh không hạt, tập trung nhiều nhất là huyện Châu Thành. Việc mở rộng diện tích chanh không hạt đã được lồng ghép trong Đề án 1.000 của tỉnh Hậu Giang (Đề án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi - cây trồng giai đoạn 2014 - 2016).
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Phước (ấp Phước Thạnh) cho biết: “Mỗi tuần, HTX cung cấp khoảng 7 - 10 tấn chanh, cung không đủ cầu. Ngoài việc thu mua trái, mỗi năm, HTX còn cung ứng khoảng 300.000 cây giống (giá 14.000 đồng/cây) cho người dân”.
Đầu ra của mặt hàng nông sản này chủ yếu được tiêu thụ ở các chợ và siêu thị ở TP. HCM, TP. Cần Thơ, Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm (Kiên Giang), Công ty The Fruit Republic (Hà Lan)…
Mô hình trồng chanh không hạt đang được nâng cao chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bạc Liêu gần giống như Hậu Giang, nên nông dân Bạc Liêu có thể áp dụng mô hình này. Đây sẽ là mô hình giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu. Bởi, hơn 99% lượng chanh được tiêu thụ tại Bạc Liêu đều phải nhập từ các tỉnh khác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã