Chính sách hợp lý
Có mặt ở TP.Cẩm Phả một buổi sáng cuối tháng 7, chúng tôi cảm nhận rõ ràng sự đổi thay của nơi này. Nhưng đâu đó, len lỏi giữa những tòa nhà cao tầng vẫn là những khu phố nghèo với bao phận đời lam lũ, vất vả. Đây cũng chính là đối tượng thường xuyên được NHCSXH quan tâm. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Thuần, Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch cho biết, người nghèo và cận nghèo luôn được ngân hàng ưu tiên cho vay vốn để phát triển kinh tế.
Từ đầu năm 2013, ngân hàng đã tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) phân bổ kế hoạch, nguồn vốn cho các xã, phường trên địa bàn. Ban đại diện HĐQT chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH thành phố cùng với các hội, đoàn thể cho vay đúng chế độ, chính sách, đúng đối tượng, góp phần tạo việc làm, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong quý I, nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 6.604 triệu đồng, bằng 74% kế hoạch năm, huy động tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 6.457 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương 1.400 triệu đồng.
Hiện, Phòng giao dịch NHCSXH TP.Cẩm Phả đang thực hiện 9 chương trình cho vay, gồm: hộ nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nghèo về nhà ở, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Trong 10 năm qua, tăng trưởng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng đạt 23,6%/năm. Nếu như năm 2003, nguồn vốn nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là 20.177 triệu đồng thì đến năm 2007 đạt 39.707 triệu đồng. Tính đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn đạt 72.493 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2004.
Tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua đạt 217.672 triệu đồng, tăng trưởng bình quân 29,1%/năm (năm 2003 cho vay 829 triệu đồng, thu nợ 190 triệu đồng; năm 2012 cho vay 35.411 triệu đồng, thu nợ 33.341 triệu đồng). Tổng dư nợ đến 31/12/2012 đạt 75.899 triệu đồng, tăng 23,5 lần so với năm 2003, tỷ lệ nợ quá hạn 0,58%.
Dân giàu
Một trong những chương trình tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH TP.Cẩm Phả thực hiện đạt hiệu quả cao là cho vay hộ nghèo. Nếu năm 2003, dư nợ cho vay hộ nghèo của NHCSXH thành phố đạt 892 triệu đồng thì đến năm 2007 đạt 26.777 triệu đồng và đến năm 2012 đạt 44.714 triệu đồng.
Đến nay, chương trình cho vay hộ nghèo đã được ngân hàng triển khai tại 16/16 xã, phường trên địa bàn thành phố. Để đảm bảo nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng, hàng năm, ngân hàng luôn bám sát chương trình mục tiêu giảm nghèo của Thành ủy, HĐND - UBND thành phố. Nguồn vốn tập trung đầu tư vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nguồn vốn cho vay hộ nghèo chiếm 60% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn này, người dân chủ yếu phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đầu tư xây dựng trang trại, mở rộng các mô hình sản xuất như: chăn nuôi gà ở xã Cộng Hòa, nuôi trồng thủy sản ở xã Cẩm Hải...
Với mục tiêu tạo việc làm mới có thu nhập ổn định cho người lao động, Phòng giao dịch NHCSXH TP.Cẩm Phả cũng ưu tiên nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm. Dư nợ của chương trình đến 31/12/2012 đạt 7.503 triệu đồng với 418 dự án, kinh doanh dịch vụ, phát triển ngành nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho 462 lao động với thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Vũ Văn Hồng và bà Lưu Thị Bích ở tổ 6, phường Cẩm Thành, một trong những gia đình thuộc diện cận nghèo được tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế. Ông Hồng xúc động nói: “Gia đình thuộc diện khó khăn, không có việc làm ổn định, nếu không có sự giúp đỡ của NHCSXH thì chúng tôi không được như ngày hôm nay. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, ngân hàng đã quan tâm, có những chính sách giúp đỡ chúng tôi trong cuộc sống”.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phòng giao dịch NHCSXH TP.Cẩm Phả còn không ít khó khăn như: Ban giảm nghèo ở một số phường, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, chưa phối hợp với ngân hàng trong việc triển khai cho vay, thu lãi... Đối tượng phục vụ của ngân hàng là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số nên rất dễ bị tổn thương nguy cơ dẫn đến đói nghèo hoặc tái nghèo cao nếu không được hỗ trợ vốn kịp thời.
Thời gian tới, ngoài nguồn vốn cân đối từ Trung ương, đơn vị sẽ chú trọng khai thác, huy động vốn tại địa phương, đặc biệt nguồn tiết kiệm từ cộng đồng thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đầu tư cho vay phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, rừng, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo việc làm cho người lao động gắn với giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục tập trung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu đến hết năm 2013, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn dưới 0,4%.
Kim Đức
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã