Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp 4.0: Áp dụng một cách linh hoạt và phù hợp!

Chủ nhật - 15/10/2017 00:40
Đó là ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn nông nghiệp Việt Nam lần thứ hai với chủ đề "Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0".

Đã có những nông dân 4.0

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày nay không còn là điều quá mới mẻ với nhiều nông dân. Sự năng động, nhạy bén đã giúp họ làm chủ công nghệ. Điển hình như ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào, trụ sở ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Hiện HTX của ông đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu, doanh thu hơn 10 triệu USD/năm. "Trong sản xuất hiện nay, HTX của chúng tôi đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu", ông Thừa nói.

Dây chuyền đóng gói trứng hiện đại của Công ty Ba Huân tại Hà Nội.

Là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015, anh Phạm Năng Thành (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, ông hiện đang trồng trực tiếp 200ha chuối tiêu hồng, chuối tây. Đến nay, tôi đã xây dựng thành công thương hiệu chuối 3T, đưa chuối vào hệ thống siêu thị, xuất khẩu chuối sang Trung Quốc và đang hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật, châu Âu. Trung bình mỗi năm, công ty của tôi đạt doanh thu gần 30 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 40 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Hay như ông Trần Nguyễn Hồ - nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2014 (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chuyên chăn nuôi chim cút với tổng đàn 500.000 con theo hướng không sử dụng kháng sinh và hướng thực phẩm hữu cơ. Hiện nay, ¾ sản lượng sản phẩm hàng tháng trang trại dành bán cho thị trường Nhật Bản, còn lại bán trong nước.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An), hiện đang canh tác khoảng 1.000ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh khác nhau,  cho biết: "Ở trang trại của chúng tôi, việc nuôi bò đều đã được cơ giới hoá, chúng tôi đang tìm cách ứng dụng thêm công nghệ số để tự động hoá thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò. Với con tôm cũng vậy, toàn bộ các khâu trong sản xuất đều ứng dụng công nghệ máy móc để đo nhiệt độ, sự sinh trưởng, chỉ số hoá lý môi trường nước".

Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc Công ty Ba Huân, người được vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” của FAO (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp quốc) khu vực châu Á- Thái Bình Dương chia sẻ thêm: Tôi bắt đầu chuyển đổi sang thực hiện công nghệ hiện đại trong sản xuất trứng từ năm 2003. Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch cúm gia cầm nên ngay khi khởi nghiệp, tôi đã tưởng như bị phá sản. Tuy nhiên, tôi nhận thấy, thời điểm những năm 2003, đa phần các mặt hàng gia cầm đều chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên tôi muốn làm “cuộc cách mạng” trứng gia cầm, đó là không chỉ đưa hàng của nông dân cho nông dân tiêu thụ, mà còn đưa các mặt hàng của nông dân sản xuất ra tiêu thụ tại nước ngoài. Trong 10 năm nay, chúng tôi đã đi theo hướng sản xuất hiện đại, áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, làm theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có trang trại gia súc, có nhà máy sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao, có lò giết mổ... 

Rõ ràng, với những nông dân này, ứng dụng công nghệ cao đã giúp họ thay đổi diện mạo sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, giúp sản phẩm đi xa hơn. Tuy nhiên, những nông dân như vậy chưa phải là nhiều.

Nên có bước đi phù hợp

Ông Võ Quan Huy cho hay, điều mà ông đang gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao là nhập khẩu các thiết bị rất đắt đỏ. “Tôi đã đi tham quan nhiều mô hình sản xuất ở nước ngoài và đi nhiều hội chợ trưng bày, bán thiết bị. Chẳng hạn, sử dụng máy bay flycam để phun thuốc BVTV, hiệu quả rất cao nhưng giá thành lại đắt đỏ, gần 10.000USD. Thêm nữa là nguồn nhân lực để sử dụng các thiết bị này cũng chưa đáp ứng được", ông Huy nêu một thực tế.

Dây chuyền sản xuất nấm hiện đại của Công ty Kynoco Thanh Cao.

Về cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ NNPTNT cho hay: Lộ trình phát triển nông nghiệp 4.0 đã được nêu ra rất nhiều, có nhiều trao đổi. Có thể diễn giải cụ thể như sau: Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950. Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp).

"Với người nông dân sản xuất nhỏ lẻ tuỳ thuộc ở các nước khác nhau mà có cách tiếp cận khác nhau. Như ở Việt Nam, cụ thể hơn là ở Lâm Đồng, có thể thấy rất nhiều nông dân đã nhạy cảm, bắt nhịp được với xu thế ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp như cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ. Nên việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 là hoàn toàn có thể:, bà Thủy khẳng định.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: "Theo tôi, chúng ta không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 4.0 của các nước theo kiểu phong trào. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình. Bên cạnh đó, khi làm nông nghiệp công nghệ cao 4.0, chúng ta cũng cần xác định 3 điều, đó là sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không?"

Đồng quan điểm, TS. Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình, cho biết: Công nghệ 4.0 được khái niệm là công nghệ sinh học, công nghệ số và vật lí hiện đại. Chúng ta không nên quá tham vọng vào việc ứng dụng ngay. Chúng ta đi Nhật Bản, Malaysia thăm quan nông nghiệp hiện đại nhưng cơ giới hóa chúng ta cũng chưa làm được. Hiện nay, nông nghiệp của chúng ta vẫn còn rất nhiều tồn tại: chưa quy hoạch được đất đai, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Chúng ta nên thay đổi nhận thức của nông dân, phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Khoa học công nghệ là giải pháp bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó, rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết, gắn với thị trường để làm nông nghiệp 4.0.

Về nguồn vốn dành cho nông nghiệp 4.0, ông Trần Văn Tần - Vụ phó Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: Hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp nông nghệ cao đang được ưu tiên. Về các chính sách cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn, trong đó lần đầu tiên có chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có thể cho vay tới 70 – 80% không phải thế chấp tài sản. Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đưa ra nhiều ưu đãi đặc biệt đối với nhu cầu vay vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. 

Theo đó, những dự án đáp ứng tiêu chí của chương trình sẽ được vay vốn với mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% - 1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại (NHTM).

Liên quan đến câu chuyện thị trường, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ:  Theo tôi, để giải quyết vấn đề này chúng ta phải thực hiện từ nhiều phía. Nông dân phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách làm. Bắt đầu từ đơn đặt hàng, sản xuất theo quy luật cung cầu của thị trường. Sau đó bà con phải tìm được đối tác, sản xuất những sản phẩm đặc sản của triêng mình. Chúng ta phải thông qua các liên kết sản xuất như HTX, doanh nghiệp, trên cơ sở đó mới có thể tạo ra được chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả. Từ đó thấy nhu cầu hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là quan trọng nhất.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Thị trường trong nước, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương cũng đã tích cực đàm phán thị trường thương mại, tích cực phối hợp với các bộ ngành về tam nông, kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất nông sản bền vững, hiệu quả.

Theo Anh Thơ/Báo KTNT.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập464
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại799,265
  • Tổng lượt truy cập90,862,658
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây