Ngan đen là giống vật nuôi bản địa đã được người dân Lộc Bình nuôi từ lâu. Tuy nhiên, trước đây bà con chỉ nuôi vài con để cải thiện bữa ăn gia đình. Thời gian gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ ngan đen, nhiều gia đình đã quyết định chăn nuôi với quy mô lớn.
Ngan đen không những dễ nuôi, nhanh lớn, tiêu tốn ít thức ăn, tỷ lệ nuôi sống cao mà giá cả cũng khá hợp lý. Vì vậy, nhiều nhà đã đầu tư nuôi ngan đen với số lượng vài trăm con, bước đầu gặt hái được kết quả khả quan. Gia đình chị Hoàng Thi Tân (thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh) là một trong những hộ có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi ngan đen. Chị Tân cho biết: “Trước đây, gia đình cũng nuôi ngan đen nhưng chỉ nuôi một vài đôi để cải thiện bữa ăn của gia đình, không nghĩ đến chuyện làm kinh tế. Gần đây, thấy nhiều người tìm mua ngan đen, giá bán lại cao nên tôi quyết định mở rộng chăn nuôi. Gia đình hiện có 20 con ngan bố mẹ (trong đó có 15 con cái). Ngan con sau khoảng 3 tháng nuôi, con đực có thể đạt 3-3,5 kg, con cái 2-2,2 kg. Thức ăn cho ngan chủ yếu là thóc, ngô, cám gạo, các loại rau xanh nên được bà con và thương lái ưa chuộng vì thịt chắc, thơm ngon. Với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhiều khách hàng đặt con giống và ngan thịt nhưng sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi có thêm thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng nhờ việc nuôi ngan đen. Những năm tới, gia đình tôi sẽ mở rộng đàn ngan lên thêm vài chục con mẹ”.
Về kinh nghiệm nuôi ngan, chị Tân chia sẻ: “Phải chọn con giống tốt. Con mái phải có mào đỏ, trọng lượng 2,2-2,5kg, thân hình thanh gọn, cân đối, bụng mềm, lỗ huyệt ướt, lông sáng, bóng, áp sát vào thân, vùng xương chậu nở rộng. Còn con trống thì phải to khỏe, trọng lượng 4-5kg/con, mào đỏ, dáng hùng dũng, có phản xạ tốt khi được kiểm tra giao cấu. Với ngan sinh sản, ta phải cho chúng ăn với chế độ riêng. Thức ăn phải đủ dinh dưỡng, đủ lượng calo, hàm lượng đạm cao. Cần tăng cường chất khoáng, đặc biệt là canxi và photpho. Cho ăn 2 bữa/ngày. Đối với ngan thương phẩm, cho ăn thoải mái nhưng có phân theo bữa và theo dõi, hết thức ăn mới cho ăn tiếp để tránh bị ôi thiu. Phải giữ cho cám luôn thơm mới kích thích ngan ăn và tránh mổ, cắn nhau. Ngan thương phẩm cần nhiều nước uống hơn ngan sinh sản nên phải lưu ý và cung cấp đủ cho chúng. Đồng thời, phải làm tốt công tác phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Làm tốt những điều này coi như nuôi ngan thành công”.
Nuôi ngan đen đang dần trở thành nghề được nhiều gia đình ở Lộc Bình ưa chuộng. Chị Hoàng Thị Thoa (thôn Long Đầu, xã Yên Khoái) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi ngan, nhưng là loại ngan trắng. Mỗi lần đem ra chợ, ngan trắng thường khó bán hơn ngan đen vì thịt ngan đen thơm, ngọt và chắc hơn, hoặc có bán được cũng rẻ hơn ngan đen 20.000-25.000 đồng/kg. Vì vậy, từ đầu năm 2013, gia đình tôi chuyển sang nuôi ngan đen, tháng vừa rồi bán một lứa 30 con với giá 70.000 đồng/kg, đem lại khoản thu nhập trên 5 triệu đồng. Theo tôi, đây là nghề mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bà con nên áp dụng”.
Tin rằng, với những thành công bước đầu, mô hình nuôi ngan đen sẽ được nông dân Lộc Bình nhân rộng và phát triển, từ đó vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Hoàng Văn Hương
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã