Ảnh minh họa. Nguồn: VTV

Để góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng, nhiều nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc được thành lập và tập hợp các hộ dân trồng rau trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn. Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc có trên 300 ha theo mô hình chuỗi, tập trung ở các xã Vân Hội (huyện Tam Dương), thị trấn Thổ Tang, xã Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường), xã Đại Tự (huyện Yên Lạc), xã Tiền Châu (thị xã Phúc Yên)...Các loại rau trồng chủ yếu như: cải ngọt, cải ngồng, mướp đắng, dưa chuột, cà chua, rau gia vị…và theo phương thức mùa nào rau đấy.

Chị Kiều Thị Huệ, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc cho biết, cán bộ hợp tác xã thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động và chỉ đạo sản xuất để đảm bảo sản phẩm rau khi được thu hoạch phải đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Cùng với đó, hướng dẫn người dân có sổ sách ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất trên mỗi thửa ruộng của gia đình mình để theo dõi, giám sát và đảm bảo sản xuất an toàn theo quy trình VietGap

"Trồng rau theo hướng VietGap cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với kiểu trồng rau thông thường. Hơn nữa, rau sạch, đảm bảo an toàn chất lượng đến tay người tiêu dùng. Mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ khoảng 5 tạ rau, củ quả các loại, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và Hà Nội" - chị Huệ chia sẻ.

Bên cạnh xây dựng Hợp tác xã rau an toàn Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cây trồng đặc biệt là đối với loại có giá trị kinh tế cao. Năm 2012, tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt “Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020” với diện tích là 3.127 ha; trong đó, diện tích trồng rau tập trung 2.951 ha; diện tích trồng rau chuyên canh 832 ha, diện tích luân canh (chủ yếu là cây lúa) 2.290 ha, ở 84 xã trong tỉnh. Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 có 100% rau sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ VietGAP và tương đương trở lên.

Vĩnh Phúc cũng vừa ban hành quyết định hỗ trợ đối với các loại rau quả trong sản xuất hàng hóa an toàn theo VietGap. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các loại cây: bí đỏ, dưa chuột, khoai tây, cà chua, ớt. Mức hỗ trợ từ 4,57 – 10,5 triệu đồng/ha/vụ tùy theo từng loại cây.

Hiện địa phương có 1.741 ha rau an toàn, sản lượng đạt khoảng 40 nghìn tấn; hình thành 10 hợp tác xã và tổ nhóm sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận với 2.874 hộ.

Vĩnh Phúc xây dựng được 3 thương hiệu rau an toàn gồm: Rau an toàn sông Phan được sử dụng chung cho các cơ sở sản xuất dọc theo hai bờ Sông Phan, rau an toàn Sao Mai và thương hiệu rau su Su an toàn Tam Đảo được sử dụng chung cho các hộ nông dân ở thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo). Các sản phẩm rau quả của Vĩnh Phúc không chỉ tiêu thụ trên địa bàn mà còn cung cấp cho thành phố Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, một phần tại các tỉnh phía Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc…

Tỉnh cũng tập trung quy hoạch, hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh rau quả, chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau quả, nhất là ở vùng đồng bằng ven các khu đô thị nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông, đất đai và thổ nhưỡng. Vĩnh Phúc hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn thửa, đổi ruộng để tăng quy mô sản xuất rau, phục vụ quy hoạch vùng chuyên canh rau.

Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rau được chú trọng trên cơ sở kết hợp giữa các nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Vĩnh Phúc tăng cường cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành hàng rau quả theo các chuỗi liên kết./.

Theo Nguyễn Thị Thảo/TTXVN- dangcongsan.vn