Lãnh đạo TP.Hà Nội thăm mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì.
Hiệu quả rõ nét
Theo chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” Ngô Thị Thanh Hằng, trong năm 2017, ít nhất mỗi huyện có một điểm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành, đến nay, Hà Nội đã có 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như: Gia Lâm (13 mô hình), Thanh Oai (9 mô hình), Phúc Thọ (8 mô hình), Đông Anh (8 mô hình)…, từ đó góp phần nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 239 triệu đồng/ha (tăng hơn 6 triệu đồng so với cùng kỳ và tăng 4 triệu đồng so với kế hoạch đề ra).
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội đầu tư trồng nấm bằng công nghệ cao. Bà Dương Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty, cho biết: Khởi công ngày 30/4/2016, đúng 1 năm sau, ngày 30/4/2017, nhà máy sản xuất nấm kim châm được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhà máy sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất, đóng gói 100% của Nhật Bản, trên tổng diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2, công suất sản xuất giai đoạn 1 là 1,5 tấn nấm kim châm/ngày, đến cuối năm 2017 đạt 3 tấn nấm kim châm/ngày, vốn đầu tư 3 triệu USD. Sản phẩm hiện được Công ty TNHH Thực phẩm lý tưởng Việt Nam phân phối độc quyền tại nhiều siêu thị ở miền Bắc và một doanh nghiệp khác phụ trách khu vực phía Nam, giá bán ra thị trường khoảng 120.000 đồng/kg. Ngoài nấm kim châm, công ty còn sản xuất nấm sò yến Hàn Quốc”.
Nói về dây chuyền công nghệ cao của doanh nghiệp, bà Dương Thị Thu Huệ cho biết, trồng nấm bằng công nghệ cao có máy móc hỗ trợ ở tất cả các công đoạn nên không cần nhiều lao động. Cây nấm được nuôi dưỡng trong môi trường phù hợp nên sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cũng vừa đưa khu nhà lưới rộng 2.600m2 trồng rau thủy canh theo công nghệ hiện đại nhập khẩu từ Israel vào hoạt động. Các loại rau do hợp tác xã ươm, trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, không có sâu bệnh. Nhiều loại rau chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như rau muống, xà lách, cải ngọt… đã cung cấp cho bếp ăn các trường học, cơ quan, nhà hàng lớn trên địa bàn huyện, được người tiêu dùng đón nhận.
Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết, nhờ lợi thế vùng đất bãi sông Hồng màu mỡ, nhiều năm nay, người dân phát triển vùng trồng rau, cây ăn quả rộng hơn 110ha, trong đó có 12ha trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tuy còn mới mẻ, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng người dân đã nhanh chóng nắm bắt được khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất ổn định. Từ thành công của mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, cung cấp cho thị trường Thủ đô những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Luôn đồng hành, hỗ trợ
Thực tế cho thấy, nếu so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia. Một trong những nguyên nhân là đầu tư cho lĩnh vực này cần nguồn kinh phí lớn. Trong khi, doanh nghiệp nông nghiệp ở Hà Nội chủ yếu quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế có hạn; các hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể càng khó khăn về nguồn vốn. Ngoài ra, việc tích tụ đất đai, thuê mặt bằng mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn còn khó khăn…
Để tháo gỡ vướng mắc, Hà Nội đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân, bước đầu tạo chuyển biến tích cực.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Với quy mô 2.600m2 trồng rau thủy canh, hợp tác xã đã đầu tư khoảng 2,6 tỷ đồng, trong đó huyện Thanh Trì hỗ trợ 1,15 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng giá trị đầu tư của mô hình; đồng thời huyện còn hỗ trợ cho thuê đất, tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở các nơi.
Tương tự, mô hình trồng nấm công nghệ cao tại xã Đốc Tín, doanh nghiệp đã đầu tư 3 triệu USD để nhập dây chuyền công nghệ và nhận được sự hỗ trợ từ dự án “Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại TP. Hà Nội” thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2012-2015; ngoài ra được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 5,43 tỷ đồng và được UBND TP. Hà Nội hỗ trợ 2,95 tỷ đồng.
Với biểu tượng con nấm cười trên nền túi và slogan “Sạch từ Tâm”, bà Huệ hy vọng sản phẩm nấm của Kinoko Thanh Cao sẽ đến được với tay người tiêu dùng ở mọi miền đất nước. Tuy nhiên, để có thể mở rộng quy mô sản xuất, bà Huệ mong ngành ngân hàng mở rộng các quy định về thế chấp tài sản để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. “Đầu tư cho nông nghiệp rất rủi ro, vì vậy, doanh nghiệp rất cần được bảo hiểm, được đồng hành và hỗ trợ về mặt cơ chế, vốn. Nếu hóa giải được những vướng mắc, tôi tin sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, bà Huệ khẳng định.
Mới đây, làm việc với các huyện về triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, bà Ngô Thị Thanh Hằng cho hay, thành phố luôn đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các sở, ngành, địa phương phải tập trung quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình điểm để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung quy mô lớn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và an toàn thực phẩm.
Sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt cùng những hỗ trợ cụ thể của thành phố và các địa phương sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội phát triển trong thời gian tới.
Theo Nguyễn Mai - Đắc Sơn/Báo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã