Đến Huế, người ta không chỉ biết đến những đặc sản nổi tiếng đã làm nên thương hiệu cho vùng đất cố đô như mè xửng, tôm chua… mà du khách cũng không thể bỏ qua một loại đặc sản vườn đã gắn liền với vùng đất này hàng trăm năm nay, đó là quả thanh trà.
Thu hoạch thanh trà ở Thủy Biều |
Ở Huế, cây thanh trà thường được trồng tập trung chủ yếu những vùng phù sa, ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương… nhưng có lẽ khi nhắc đến “Thanh trà Huế” người ta thường nhắc đến thanh trà Thủy Biều.
Phường Thủy Biều nằm ven bờ sông Hương ở phía Tây Nam thành phố Huế. Do ở địa thế đặc biệt, Thủy Biều luôn được một lượng lớn phù sa của sông Hương bồi đắp hàng năm. Chính sự kết tinh từ những hạt phù sa màu mỡ này đã làm cho quả thanh trà ở đây có vị ngọt mà chẳng nơi nào có được.
Cây thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều từ bao đời nay, nó đã làm “thay da đổi thịt” làng quê vốn nghèo khó. Thế nhưng, khi nhắc đến nguồn gốc của giống cây đặc sản này thì từ già đến trẻ ai cũng lắc đầu. Một số vị cao niên trong làng chỉ biết cây thanh trà đã có mặt ở địa phương từ vài đời trước.
Theo sử sách của nhà Nguyễn để lại, cây thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều ngót cũng đã vài trăm năm. Có tài liệu thì nêu khá rõ: “Khoảng hơn 200 năm trước, cùng với những của ngon vật lạ người dân đem dâng lên vua như gạo An Cựu, nhãn Kim Long, hay chè Tuần… thì bưởi thanh trà Nguyệt Biều đã góp mặt như một đặc sản vườn nổi tiếng ở vùng đất kinh đô Phú Xuân”.
Cứ độ khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm, những vườn cây thanh trà Thủy Biều lại vào mùa trái ngọt. Nhưng trước đó vài tháng, thương lái khắp nơi đã đổ về đây để ngả giá. Mỗi vụ thanh trà hàng trăm hộ nông dân lại bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, cuộc không chỉ ổn định, con cái được học hành đàng hoàng, nhiều hộ còn xây nhà, sắm xe sang phục vụ nhu cầu đi lại.
Ông Tôn Thất Tùng, một nông dân trồng thanh trà lâu năm hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 60 gốc thanh trà, hàng năm cho thu nhập 130 - 150 triệu đồng. So với các cây trồng khác thì cây thanh trà ít tốn công mà thu nhập lại cao hơn. Nhờ thanh trà mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện, con cái ăn học đàng hoàng”.
Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX Thanh trà Thủy Biều vui vẻ cho biết: “Thanh trà là cây trồng chủ lực ở địa phương có giá trị thu nhập cao nhất so với các cây như lúa, hoa màu… Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng cho thu hoạch lứa đầu. Toàn địa phương hiện có hơn 2,2 nghìn hộ thì có đến 800 hộ trồng thanh trà với diện tích hơn 200ha. Bình quân thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng/ha, có khi lên đến 200 - 250 triệu đồng/ha”.
Ông Võ Đăng Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho hay, nhờ cây thanh trà nên đời sống bà con ở địa phương không chỉ ổn định mà nhiều hộ còn làm giàu, có nhà cửa khang trang, phố sá cũng đẹp hơn.
Nhiều mô hình du lịch sinh thái nhà vườn từ thanh trà ở Thủy Biều thu hút đông khách du lịch |
“Hiện địa phương đang tiến hành cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp đang có nhằm để phát triển giống cây đặc sản này; hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón. Đồng thời, tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà đến quần chúng nhân dân một cách sâu rộng hơn”, ông Thái nói.
Lợi thế từ hệ thống nhà vườn, nhiều hộ đã xây dựng nhà vườn thành những mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách. Trên cơ sở đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có quyết định quy hoạch phường Thủy Biều thành điểm đến của du lịch cộng đồng...
Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, ẩm thực từ thanh trà cũng đã khiến thực khách ngỡ ngàng. Có thể kể đến như rượu, nem thanh trà, mực khô thanh trà… Món ăn từ thanh trà được biết đến với vị bùi ngọt, dịu mát tốt cho sức khỏe nên được ưa chuộng... Với những giá trị đó, bưởi thanh trà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế”. Thanh trà Huế cũng đã xác lập kỷ lục, được ghi vào danh sách top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã