Để giúp người chăn nuôi chuyển đổi cơ cấu giống, vật nuôi với quy mô lớn, tiếp cận với phương thức sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao hiểu biết về phương pháp chăn nuôi an toàn trong nuôi gà thả vườn, từ năm 2013 đến năm 2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm khuyến nông Phú Thọ đã triển khai mô hình “Chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học”tại 3 điểm: xã Tiên Lương - huyện Cẩm Khê, xã Phù Ninh - huyện Phù Ninh và xã Chu Hóa - thành phố Việt Trì.
Địa điểm thực hiện dự án đều là các xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên hội tụ được đầy đủ những thuận lợi về giao thông, nhu cầu hàng hóa chất lượng, điều kiện để phát triển chăn nuôi. Người chăn nuôi tại các xã thực hiện dự án ham học hỏi, luôn có ý thức cập nhật tiến bộ kỹ thuật (TBKT), bà con rất phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ, nên mô hình đã nhận được sự đồng thuận cao của nông dân các xã trong vùng dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của mô hình.
Sau khi khảo sát điều kiện chăn nuôi và nhu cầu thực tế người tiêu dùng và tham khảo ý kiến của người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã lựa chọn giống gà ri lai là giống gà nuôi trong mô hình của dự án. Đây là giống gà được lai tạo từ giống gà ri lai thuần chủng với một số giống gà nhập ngoại khác. Vì vậy so với giống gà địa phương thì giống gà ri lai có nhiều ưu điểm hơn hẳn: khả năng kháng bệnh tốt, tỷ lệ sống cao, dễ nuôi và có thể chăn nuôi theo nhiều phương thức nuôi khác nhau. Đặc biệt là phương thức nuôi thả vườn an toàn sinh học phù hợp với điều kiện của các hộ gia đình tại tỉnh Phú Thọ. Sản phẩm (thịt gà ri lai) thơm ngon chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên thị trường tiêu thụ tốt.
Trong 3 năm, Phú Thọ đã thực hiện dự án với quy mô 6.000 con (2.000 con/năm) cho trên 20 hộ thực hiện. Để người chăn nuôi nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai 6 lớp tập huấn cho 130 lượt nông dân trong vùng dự án; 3 lớp tập huấn ngoài mô hình cho 90 lượt học viên về phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giúp người chăn nuôi quản lý tốt các nguy cơ gây bệnh, từ đó tìm ra các giải pháp làm giảm thiểu hoặc loại trừ các nguy cơ đó. Nhờ vậy các mô hình đều đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Với quy mô mỗi mô hình 2.000 con, thực hiện trong 4 tháng, sau khi trừ chi phí (không tính công) cho lợi nhuận từ 35 đến trên 100 triệu đồng (tùy vào giá cả thị trường từng năm). Mặc dù gà thịt giống địa phương bán bao giờ cũng được giá cao hơn gà ri lai nuôi tại mô hình, nhưng chi phí lại nhiều hơn do thời gian nuôi kéo dài, tỷ lệ nuôi sống đạt thấp hơn gà nuôi trong mô hình, nên lãi suất bình quân 1 con gà ri lai nuôi trong mô hình vẫn cao hơn so với giống gà địa phương nuôi ngoài mô hình hơn 2.000 đồng.
Thông qua kết quả mô hình, bà con chăn nuôi đã được nâng cao kỹ năng sản xuất chăn nuôi thông qua việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, từ đó dần hình thành nhóm hộ cùng sở thích, việc chia sẻ những kinh nghiệm trong chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh và lựa chọn thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện thường xuyên. Nhất là việc làm giảm tối đa ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, ngăn chặn tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đây là cơ sở để Phú Thọ phát triển chăn nuôi an toàn và bền vững.
Kết quả của mô hình là cơ sở chắc chắn để giúp bà con thay đổi nhận thức về chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi và áp dụng TBKT vào chăn nuôi. Do vậy, từ năm 2013 đến nay, không những các hộ trực tiếp tham gia thực hiện mô hình còn duy trì về con giống nuôi và những tiến bộ kỹ thuật mới trong chăm sóc, nuôi dưỡng theo phương pháp an toàn sinh học mà chỉ tính đến cuối năm 2015, mô hình đã lan tỏa ra hơn 300 trăm hộ với quy mô nuôi từ một đến mười ngàn con/hộ. Điều đó không những đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phong trào và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương mà còn giúp người chăn nuôi thay đổi phương thức sản xuất và tập quán chăn nuôi lạc hậu, là cơ sở để Phú Thọ phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn bền vững.
Minh Hiền
Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ
http://khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã