Tôm thẻ VietGAP
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh triển khai mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” với quy mô 2 ha tại thành phố Móng Cái và thị xã Quảng Yên. Mục đích giúp bà con nuôi tôm tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, 5 hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn, vật tư và cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong quá trình triển khai, các hộ tham gia mô hình đã thực hiện nghiêm túc các quy trình được hướng dẫn, không sử dụng các chất cấm, chất thải trước khi xả ra môi trường đều được kiểm soát. Tôm thả nuôi với mật độ 80 con/m2, con giống được mua ở những cơ sở uy tín, trước khi thả nuôi được kiểm dịch, đảm bảo sạch bệnh, khỏe, kích cỡ đồng đều. Quá trình nuôi được ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chủng vi sinh vật có lợi nhằm cải tạo môi trường, hạn chế dịch bệnh. Kết quả cho thấy, tôm đạt tỷ lệ sống trung bình 80%, tôm phát triển nhanh, môi trường nuôi ổn định.
Nuôi tôm là thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Huy Hùng
Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận so sánh giữa mô hình VietGAP với mô hình thường có sự khác biệt rõ rệt. Ông Nguyễn Đức Cảnh (một trong những hộ tham gia mô hình VietGAP tại Quảng Yên) cho biết, thu nhập của mô hình đạt trên 400 triệu đồng, gấp đôi so với cách nuôi truyền thống.
Ưu điểm của mô hình VietGAP là giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định, hạn chế tối đa mầm bệnh và dịch bệnh. Đồng thời, trong quá trình nuôi không dủ dụng các loại thuốc, hóa chất cấm, giảm chi phí sản xuất… giúp hiệu quả kinh tế tăng cao.
Cá rô phi VietGAP
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Dự án được triển khai tại vùng nuôi thủy sản tập trung của xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều.
Mô hình được triển khai với quy mô 3 ha cùng 3 hộ tham gia. Mật độ thả 3 con/m2. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 30% vật tư, được tham gia tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn áp dụng VietGAP trong nuôi cá rô phi.
Mục đích dự án hướng đến là giải quyết việc quản lý dịch bệnh, các yếu tố đầu vào tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cá rô phi. Đồng thời, kỳ vọng đây sẽ là những cơ sở để hình thành vùng nguyên liệu sạch, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu theo phương thức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất.
Trong suốt thời gian triển khai dự án, cán bộ khuyến nông sẽ bám sát để hướng dẫn hộ nuôi áp dụng thực hiện theo các tiêu chí VietGAP. Cùng đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh còn làm cầu nối, giúp đỡ các hộ tham gia mô hình ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đơn vị tiêu thụ.
Triển vọng nuôi an toàn
Quảng Ninh có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai hàng loạt các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP và được người dân ủng hộ đông đảo.
Ông Bùi Văn Trình, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái chia sẻ, nuôi tôm theo hướng VietGAP là môt trong những hình thức nuôi ông đặc biệt quan tâm. Bởi, tôm nuôi phải đảm bảo thức ăn cho tôm là thức ăn sạch, đạt tiêu chuẩn, sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi. Nhờ áp dụng đầy đủ, nên với diện tích khoảng 4 ha, nuôi 2 vụ/năm, mỗi vụ cho thu hoạch trên dưới 20 tấn tôm thương phẩm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Và cũng nhờ VietGAP, nhiều vùng nuôi tôm tại địa phương đã vượt qua được nhiều đợt dịch bệnh, nhất là bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi. Cùng đó, do đẩy mạnh nuôi thủy sản theo hướng VietGAP và công nghiệp nên dù xảy ra một số đợt thiệt hại do thiên tai, tổng sản lượng nuôi thủy sản của Móng Cái năm 2015 vẫn tăng mạnh so với năm 2014, đạt gần 7.400 tấn, trong đó tôm nuôi khoảng 1.747 tấn, tăng trên 50% so kế hoạch.
Về nuôi tôm theo VietGAP, không chỉ ở Quảng Ninh mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã thành công. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” của Bộ NN&PTNT giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện giai đoạn 2014 - 2016 đã đạt những kết quả rất khả quan. Năm 2015, vùng ĐBSCL xây dựng thành công tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với quy mô 9 ha, năng suất tôm thẻ chân trắng trên 10 tấn/ha, tôm sú hơn 3 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, 600 - 800 triệu đồng/ha, cao hơn 15 - 20% so mô hình ngoài VietGAP. Đây là những tín hiệu tốt để mô hình nuôi tôm nói riêng, thủy sản nói chung theo hướng VietGAP ngày càng được nhân rộng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã