Thành công từ đam mê
Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Thanh Phương, sinh năm 1979, tại Trà Vinh đến lập nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuộc sống khó khăn, thu nhập bấp bênh khiến anh Phương trăn trở tìm hướng đi phù hợp với khả năng để ổn định cuộc sống. Sau khi tìm hiểu thị trường, thấy giá lươn thịt luôn ở mức cao và dễ tiêu thụ anh quyết định đầu tư nuôi lươn. Đến nay, cơ sở của anh đã xây dựng được 10 ao nhân tạo với tổng diện tích hơn 200 m2, trong đó có hơn 4.000 con lươn bố mẹ với kế hoạch cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con lươn giống/tháng.
Có được quy trình cho sinh sản nhân tạo lươn giống như ngày hôm nay, anh đã trải qua quá trình nghiên cứu thực tế và gần như dành tất cả thời gian cho con lươn. Được sự ủng hộ của người thân, năm 2015 anh Phương đến huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh tìm mua con giống về thả nuôi. Do chưa nắm được yêu cầu kỹ thuật về chọn giống như kích thước, màu sắc, các yếu tố môi trường, điều kiện thổ nhưỡng, đàn lươn anh nuôi phát triển không đều, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp. Sau đợt nuôi đó không những anh bị lỗ vốn mà lỗ cả công chăm sóc. Từ thất bại này, anh đúc kết được kinh nghiệm chọn lươn giống. “Khó nuôi nhất là lươn giống mua về được người bán săn bắt ngoài tự nhiên, tập tính lươn còn hoang dã nên chưa thích nghi môi trường bể nuôi; kích cỡ, trọng lượng giống không đồng đều; lươn giống đánh bắt bằng nhiều cách trong đó có cả bằng xung điện nên tỷ lệ hao hụt lớn, khó chăm sóc, hiệu quả nuôi không cao” - anh Phương chia sẻ.
Với kinh nghiệm và lòng đam mê, anh chuyển hướng nghiên cứu, làm bể nhân tạo sản xuất lươn giống. Cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu và tham khảo thực tế, anh Phương mới tìm được địa chỉ uy tín mua 5.000 con giống tốt về tiếp tục thả nuôi trong bể. Sau hơn 10 tháng nuôi, từ nguồn lươn thương phẩm, anh Phương tuyển chọn những con khỏe mạnh để làm bố mẹ nuôi thành thục sinh sản. Thật bất ngờ sau 6 tháng nuôi, lươn bố mẹ đã làm ổ và đẻ được trứng trong bể nhân tạo. Trứng sau khi đẻ, anh Phương vớt vào các chậu nhựa và cho ấp nở. Lươn con được ương dưỡng tại đây khoảng 20 ngày rồi mới cho ra ương tiếp ở bể xi măng lên thành lươn giống.
Từ thành công ban đầu, anh Phương tiếp tục nghiên cứu thực nghiệm quy trình cho lươn đẻ. Qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, anh Phương tiến hành thiết kế bể nuôi bằng bạt hình chữ nhật kích thước 2 x 10 m. Sử dụng đất sét thịt để làm nơi ẩn nấp và làm tổ đẻ của lươn bố mẹ. Khi lươn đẻ trứng xong, không như những lần trước vớt trứng lên bể ấp, lần này anh cho trứng nở tự nhiên tại ổ đẻ và thu lươn giống trong giá thể đã treo. “Với phương pháp cho đẻ tự nhiên và thu con giống từ giá thể đưa vào ương nhân tạo, con giống thu được khỏe hơn, ương nuôi nhanh lớn và đặc biệt là giảm được công chăm sóc ấp trứng”, anh Phương chia sẻ.
Với quy trình thu lươn giống ở giá thể, anh Phương đã thành công và cho tỷ lệ con giống cao hơn nhiều so với thu và ấp trứng. Lươn con thu được anh cho ương tại bể xi măng, thức ăn chủ yếu là trùng chỉ, sau 20 ngày thì tập cho lươn ăn thức ăn cám viên. Sau 2 tháng nuôi, lươn đạt kích cỡ 500 con/kg là xuất bán cho người nuôi. Bằng phương pháp này, mỗi tháng anh Phương cung cấp ra thị trường từ 20.000 - 25.000 con giống, với giá bán 5.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí cho thu lời khoảng một trăm triệu đồng.
Bán lươn qua Facebook
Để quảng bá thương hiệu và để người dân dễ tiếp cận với lươn giống của cơ sở, anh Phương lập địa chỉ “Lươn giống Vũng Tàu” giới thiệu qua Facebook nhằm trao đổi kinh nghiệm và bán lươn giống. “Hiện khoảng 70% lươn giống được bán ở các tỉnh như Nam Định, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhờ kết nối bạn qua facebook. Số còn lại bán trực tiếp cho bà con nuôi trong tỉnh. Hy vọng với những thành công ban đầu sẽ tạo động lực cho tôi hướng đến thành lập công ty Lươn giống Vũng Tàu”.
Theo ghi nhận của một số hộ dân, bên cạnh việc sản xuất lươn giống theo quy trình bán nhân tạo, anh Phương còn chuyển giao công nghệ nuôi lươn thương phẩm cho bà con. Những hộ nuôi trong tỉnh mua con giống tại cơ sở của anh sẽ được anh bảo đảm về tỷ lệ sống và bao tiêu đầu ra. Cơ sở sản xuất lươn giống của anh Phương với quy trình bán nhân tạo có thể nói là mô hình mới nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã