"Nông dân Việt Nam rất giỏi, nhưng còn thiếu 1 thứ có tính quyết định thành công trong sản xuất nông nghiệp - chính là “bí quyết công nghệ”, các doanh nghiệp nông nghiệp của Israel đều khẳng định như vậy trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn và các thành viên đoàn công tác…
Chủ tịch Lại Xuân Môn (hàng ngồi thứ 2) và các thành viên đoàn công tác T.Ư Hội NDVN nghe lãnh đạo Công ty NaanDanJain (Israel) trình bày, giới thiệu về các công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà doanh nghiệp đang làm chủ bản quyền.
Tiếp tục chuyến công tác tại Israel, ông Lại Xuân Môn cùng các thành viên đoàn công tác tập trung nghiên cứu về công nghệ tưới tiết kiệm, hợp tác sản xuất nông nghiệp theo mô hình KibButz, Moshav và thăm thực tế các trang trại nông nghiệp.
Công nghệ tưới vang danh hơn 100 quốc gia
Tại buổi làm việc với Công ty NaanDanJain về hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Lại Xuân Môn thay mặt đoàn giới thiệu khái quát về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; chia sẻ sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nông nghiệp…
Chủ tịch Lại Xuân Môn (thứ 2 bên trái) thăm 1 trang trại trồng cây ăn quả của Israel sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới thông minh của Công ty NaanDanJain (Israel).
Đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã trao đổi và đi thăm các mô hình tưới tự động và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty. Hai bên cũng đã có những thảo luận cơ bản nhằm hướng đến hợp tác trong vấn đề chuyển giao công nghệ của Công ty cho các hộ nông dân sản xuất đơn lẻ và các Tổ hợp tác tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trao đổi với đoàn, ông Amnon Ofen, Giám đốc công ty NaaDanJain cho biết, doanh nghiệp cung cấp nước và thiết bị tưới, với các công nghệ và giải pháp hiệu quả về mặt chi phí và phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Với 80 năm kinh nghiệm tại hơn 100 quốc gia, Công ty cung cấp các sản phẩm có chất lượng hàng đầu, nhằm mang tới năng suất cao hơn trên 1 đơn vị tài nguyên với phương châm “Năng suất cao hơn từ mỗi giọt nước”.
Công ty hiện đang tham gia một số dự án nông nghiệp lớn trên thế giới với khoảng 10.000 nhân viên, doanh thu khoảng 1,25 tỷ USD/năm, hoạt động trên 100 quốc gia…Ông Amnon Ofen cho biết, kinh nghiệm cho thấy, khi sử dụng công nghệ của Công ty giúp tiết kiệm nước, phân bón, giảm ô nhiễm nguồn nước và không khí, cây trồng ít sâu bệnh hơn, năng suất có thể tăng gấp đôi...
“Tôi đã đi nhiều nước và đã sang Việt Nam. Lần gần đây nhất là chuyến tháp tùng Tổng thống Israel sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Qua tìm hiểu, tôi cảm nhận nông dân Việt Nam rất giỏi, có nhiều điểm giống với nông dân Israel. Nhưng nông dân Việt Nam vẫn còn thiếu một thứ có tính quyết định đến hiệu quả sản xuất, đó chính là “bí quyết công nghệ”, ông Amnon Ofen thổ lộ. |
Ví dụ tại Ấn Độ, năng suất lúa tăng 40%, tiết kiệm nước 70%, tiết kiệm năng lượng 50%, hiệu quả sử dụng nước và phân 80%, bảo vệ được đất, giảm thiểu các bệnh về da, hô hấp và các bệnh do muỗi gây ra đối với người lao động...
Tại Việt Nam, Công ty đang nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình trên cây cacao. Các công nghệ của công ty phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau, từ những nông dân sản xuất nhỏ đến những chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn. Israel có nhiều vùng điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau, tương đồng với nhiều vùng của Việt Nam nên có thể cung cấp cho nông dân Việt Nam những giải pháp công nghệ phù hợp.
“Công nghệ tưới tiết kiệm nước của Công ty NaaDanJain rất phù hợp và cần thiết đối với nông nghiệp, nông dân Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với Công ty khảo sát lựa chọn cây trồng, địa bàn, đối tượng phù hợp để chuyển giao các công nghệ của công ty đến với nông dân Việt Nam. Trước mắt 2 bên sẽ thảo luận và ký kết biên bản ghi nhớ trong thời gian sớm nhất tại Việt Nam, dự kiến trong quý III, 2017…”, Chủ tịch Lại Xuân Môn.
Ông AmnonOfen, Giám đốc Công ty Naan Dan Jain (trái) tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Lại Xuân Môn.
1ha trồng đu đủ cho thu 8 tỷ đồng
Chiều cùng ngày, đoàn công tác T.Ư Hội NDVN do Chủ tịch Lại Xuân Môn dẫn đầu đã đến thăm trang trại trồng đu đủ trong nhà kính và ứng dụng công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy-1 nông dân Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình thực tập sinh trong thời gian 5 năm đã được giữ lại làm quản lý trang trại cho biết, việc sản xuất trong nhà kính và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hết sức hiệu quả, không có gì phức tạp. Đầu tư ban đầu có thể lớn, nhưng hiệu quả sản xuất rất cao, vì cây trồng phát triển nhanh hơn, tốt hơn, nhanh cho thu hoạch, thu hoạch được nhiều lần trong năm, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, giá bán cao hơn, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhân lực...
Chủ tịch Lại Xuân Môn (trái) nghe chị Nguyễn Thị Bích Thủy-quản lý trang trại trồng đu đủ công nghệ cao của Israel.
Chị Thủy cho biết thêm” “Ở đây, trồng 1ha đu đủ có thể đem lại doanh thu hơn 8 tỉ đồng tiền Việt Nam mỗi năm. Mong muốn của tôi là Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel cần có một Hiệp đinh hợp tác nào đấy để cho nông dân Việt Nam có thể sang Israel làm việc và học tập thuận lợi như nông dân Thái Lan. Từ đó góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững…”.
Nhân dịp công tác, Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác T.Ư Hội NDVN cũng đã đến tìm hiểu các mô hình, tổ chức liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Israel.
Theo Nguyễn Xuân Định (Trưởng ban Hợp tác Quốc tế-TƯ Hội NDVN)/Dân Việt .vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã