Gặp chị Viên mới thấy chị có dáng vẻ rất mộc mạc, chân chất của một người nông dân chính hiệu, nghe chị chia sẻ cơ duyên đến nghề nông. Năm 2010, khi bắt tay vào nghiên cứu đề tài ứng dụng vi sinh để chuẩn bị cho luận án tiến sĩ, chị muốn quan sát quá trình vi sinh tác động đến rau củ và không có sự can thiệp của hóa chất, nên chị cùng một người bạn trồng thử rau sạch ở Long An. Nhưng đến mùa sâu bệnh, các hộ xung quanh đều phun thuốc, mảnh vườn hữu cơ của chị trở thành “điểm tập trung tốt” của sâu bệnh khi không có biện pháp phòng ngừa, đất sử dụng vi sinh cũng không có kết quả bởi nhiễm hóa chất từ các vườn kế bên. Qua đó, chị nhận ra trồng rau sạch là không thể nếu môi trường xung quanh không sạch. Thế là vườn rau đầu tiên của chị cùng bạn đành dang dở.
Đến năm 2011, tình cờ phát hiện mảnh đất hơn 3.000m2 biệt lập ở ngã ba Bà Quẹo, đường Tân Sơn, P.15, quận Tân Bình, TP.HCM, đam mê quay trở lại, chị quyết tâm đầu tư. Sau khi bàn bạc với chồng, chị dồn tiền thuê đất trong 20 năm.
Chị Viên cho biết: “Lúc đó, đất nơi đây ít mùn, khô hạn, nhưng mỗi tuần mình phun vi sinh một lần, rồi kết hợp trồng cây tăng độ màu mỡ và xây dựng hệ sinh thái tự nhiên. Những lứa rau đầu năng suất thấp, còi cọc nhưng đã được người quen yên tâm ủng hộ tiêu thụ nên mình vẫn tự hào về sản phẩm rau sạch của mình. Bên cạnh đó, mình có những cộng sự có tâm với nghề đã giúp mình kiên nhẫn theo đuổi đam mê. Một trong những người cộng sự đầu tiên là ông xã của mình, vì anh am hiểu và thích ngành cơ khí nên đã giúp thiết kế, chế tạo ra các loại máy tỉa hạt, máy bắt bọ nhảy,… Thậm chí, anh đã đồng ý chuyển sang ở hẳn vườn rau để tiện canh tác và chăm sóc vườn giúp mình”.
Nhờ sự ủng hộ hết mình của những cộng sự và chính ông xã, từng bước chị đã gặt hái được thành công. Đến nay chị đã xây dựng được thương hiệu “Happy Vegi” cho vườn rau hữu cơ với tiêu chí “sáu không” của mình. Đó là không sử dụng: thuốc trừ sâu; thuốc diệt cỏ; phân hóa học; thuốc kích thích tăng trưởng; giống biến đổi gen; đất nhiễm hóa chất công nghiệp. “Đây cũng chính là nguyên tắc hoạt động của Happy Vegi mà ai cũng phải tuân theo” – chị Viên khẳng định.
Lý giải về nguyên tắc này, chị cho biết trang trại của chị không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, chỉ phòng bệnh cho rau bằng vi sinh; Không trồng rau trên đất và nước ô nhiễm hoá chất nên phải kiểm tra mẫu đất, chỉ số kim loại nặng, hóa chất tồn dư trong đất không vượt quá ngưỡng cho phép của Bộ Nông nghiệp; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bằng cách phải có nhà ươm nhỏ, trồng cây trong bầu đất trước rồi chuyển ra vườn, cây sẽ giữ nguyên vẹn rễ và không cần dùng thuốc; Không bón phân hóa học thông qua việc tận dụng lá rau vàng, cỏ úa kết hợp vi sinh tạo thành phân bón tự nhiên; Không sử dụng giống biến đổi gen bằng cách sử dụng những giống địa phương hợp thổ nhưỡng khí hậu, tuy giống địa phương có thể năng suất thấp hơn nhưng ưu điểm là kháng bệnh tốt; Không sử dụng chất bảo quản bằng cách khi thu hoạch và sơ chế ngay tại luống, giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói rồi phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9 giờ sáng, đảm bảo rau an toàn và chất lượng sẽ tươi ngon.
Với cách làm tỉ mỉ, cẩn thận từng công đoạn nên sản phẩm rau của chị được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những địa chỉ uy tín thì cũng có nhiều người trồng rau chạy theo lợi nhuận, nhập nhèm chất lượng gây ra thiệt hại, hoang mang cho người tiêu dùng và cả những người trồng rau chân chính như chị. Hiện tại, Happy Vegi trồng khoảng 15 loại rau ăn lá và 10 rau ăn củ quả, giá bán cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với rau bán trên thị trường. Trung bình mỗi ngày vườn rau của chị thu hoạch 70 kg/ngày, với rau ăn lá có giá 80.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg đối với rau củ, quả.
Theo chị, thị trường sau sạch, rau hữu cơ đã và đang phát triển nhưng làm rau hữu cơ đòi hỏi nhân lực nhiều mà năng suất thấp. Thực tế, với mức giá bán rau hữu cơ như hiện nay của vườn vẫn chưa đúng với chi phí bỏ ra. Tuy nhiên vì cái tâm của người làm rau sạch nên chị quyết tâm theo đuổi để người tiêu dùng hiểu được giá trị thực sự của rau hữu cơ. “Bởi vậy có nhiều người khi mua rau và sử dụng xong đã quyết định đến vườn để tìm hiểu. Sau đó thì trở thành khách hàng trung thành của vườn” - chị Quỳnh Viên hạnh phúc chia sẻ.
Hiện vườn rau của chị mở cửa 24/24 giờ đón tiếp khách tham quan, tình nguyện viên quốc tế hay mở các buổi giáo dục về nông nghiệp sạch dành cho học sinh. Tháng 4/2018 này, chị Viên triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc với ứng dụng QRcode giúp khách hàng thể kiểm tra ngày rải vi sinh, vị trí luống rau, thời gian thu hoạch… bằng điện thoại thông minh. Không dừng lại ở đó, hiện chị Viên đầu tư vào nghiên cứu trồng rau cần nước, rau muống nước… ở huyện Củ Chi và rau ôn đới ở Măng Đen - Kon Tum, với mong muốn xây dựng quy trình trồng rau sạch hợp với điều kiện tự nhiên ở từng nơi.
Chia sẻ về điều đó, chị nói: “Có làm mới thấu hiểu nỗi vất vả khi trồng rau sạch mà lại không nhận được sự thấu hiểu của khách hàng. Vì thế, mình muốn nhân rộng, chuyển giao quy trình trồng đến với nông dân ở nhiều địa phương, để việc trồng trọt bớt vất vả và người tiêu dùng có nhiều rau sạch hơn. Đây chính là tâm niệm mà mình đã và đang làm”.
Minh Hiếu/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã