Trước khi gặp anh Bính, chúng tôi đã nghe anh Nguyễn Đình Tiện, Bí thư Đoàn xã Hòa Ninh nói về người đầu tiên trồng cây dâu nuôi tằm trên đất Thôn 14, anh Phạm Văn Bính. Theo Bí thư Tiện, như phần đa nông dân ở xã Hòa Ninh, gia đình anh Bính mới đầu cũng trồng cà phê và chè. Sau đó, gia đình anh Bính đã chuyển những diện tích đất trồng chè sang trồng cà phê. Nhưng rồi giá cả của loại cây trồng này không ổn định, nên gia đình anh Bính quyết định chuyển đổi 4 sào đất trồng cà phê sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện, 4 sào dâu này đang giúp gia đình anh Bính có thêm nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh Bính cũng ngày một khấm khá hơn. Cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế gia đình, anh Bính trước kia còn là một đoàn viên tích cực, năng nổ trong các phong trào Đoàn tại địa phương.
Nói về lý do chuyển diện tích trồng cà phê hiện có của gia đình sang trồng cây dâu tằm, chị Hà Thị Phương, vợ của anh Bính, cho hay: “Cùng một diện tích đất nhưng trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng loại cây truyền thống. Đó là lý do chính. Thêm nữa, trồng dâu nuôi tằm giúp gia đình tôi có nguồn thu ổn định hàng tháng để trang trải các khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình, trong khi trồng cà phê thì mỗi năm chỉ một lần thu. Bên cạnh đó, nguồn phân tằm còn giúp gia đình tôi tiết kiệm được một khoản nho nhỏ tiền mua phân bón cho cây cà phê”.
Chị Phương chia sẻ rằng, cứ 2 tháng, gia đình anh chị lại nuôi được 3 lứa tằm cho thu khoảng 55 kg kén, với giá kén hiện nay là 140 ngàn đồng/kg thì bình quân mỗi tháng gia đình anh Bính có thêm khoản thu hơn 11 triệu đồng.
Cùng với khoản thu này, mỗi năm gia đình anh Bính và chị Phương còn thu khoảng 5 - 6 tấn cà phê.
Mặc dù hiệu quả kinh tế mà nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại cho gia đình là không hề nhỏ nhưng chị Phương vẫn còn một vài trăn trở. Bởi theo chị Phương, tằm là giống rất nhạy cảm với những loại thuốc bảo vệ thực vật, chẳng may lá dâu bị dính phải thuốc bảo vệ thực vật, tằm ăn lá dâu này sẽ bị ngộ độc và chết. Trong khi đó, phần đa diện tích trồng dâu đều trồng xen với những loại cây trồng khác, nên rất khó tránh việc bị dính thuốc bảo vệ thực vật. Một trăn trở nữa là chất lượng tằm giống. Theo chị Phương, hiện nay tằm giống mà chị mua về nuôi vẫn chưa thể tự chủ, còn phụ thuộc nhiều vào giống nhập ngoại. Do đó, chị Phương mong muốn tằm giống cần phải được tự chủ, tránh bị lệ thuộc vào nguồn nhập ngoại, vì chất lượng tằm giống quyết định gần như toàn bộ đến chất lượng tằm, kén tằm. Mà chất lượng kén cao thì giá kén mới cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã