Ông Nguyễn Ngọc Thành (ở ấp An Long, xã An Bình) vừa có vụ nhãn Ido (Edor) trúng mùa được giá. Theo đó, 4 công nhãn ông thu hoạch hơn 5 tấn, với giá bán 29.000 đ/kg, ông thu về hơn 200 triệu đồng.
Có được kết quả này là nhờ cách đây 5 năm ông đã mạnh dạn cải tạo vườn nhãn da bò nhiễm bệnh chổi rồng để trồng lại nhãn Ido và đây là năm thứ 2 thu huê lợi từ cây nhãn Ido, năng suất rất khá.
Trong khi nhãn da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng cho năng suất thấp, nhiều người dân tại 4 xã cù lao chọn trồng lại nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng hay chôm chôm thì tại ấp Hòa Thuận (xã Hòa Ninh), anh Nguyễn Văn Nhẫn lại chọn trồng cây cà na tứ quý xen với nhãn, thu nhập rất cao.
5 năm trước, trong một lần tình cờ, anh Nhẫn được người quen tặng 3 nhánh cà na Thái về trồng trên đất vườn nhà, với mục đích giữ mé tránh sạt lở.
Sau 2 năm trồng, thấy loại cây này thích hợp với vùng đất gần mé sông, bãi bồi lại không tốn công chăm sóc, thu nhập cũng tương đối nên anh Nhẫn đã chiết nhánh để trồng xen trên diện tích 4.000m2 đất trồng nhãn. Hiện tại với hơn 100 cây cà na cho trái, anh có nguồn thu nhập hàng năm khoảng 100 triệu đồng.
|
Cà na trồng xen trong vườn nhãn cho thu nhập cao. |
Nông dân Nguyễn Văn Tới Em (ở ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Quới) thì chọn cách làm kinh tế tổng hợp vườn- ruộng- ao. Với 3 công vườn, 3 công ruộng và 2 ao nuôi cá, mỗi năm anh Tới Em thu được hơn 150 triệu đồng.
Anh Tới Em phấn khởi cho biết: Nhờ Nhà nước đầu tư khép kín thủy lợi nên việc sản xuất của gia đình và nhiều hộ dân nơi đây thuận lợi và an toàn hơn. Ngoài ra, hàng năm tôi còn được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nên về áp dụng thấy hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.
Sau nhiều năm trồng lúa, năm nay được xem là năm mà ông Nguyễn Văn Phát (ở ấp Phước Lợi, xã Thạnh Quới) cũng có thu nhập khấm khá nhất. Trong năm qua, 12 công đất ruộng và 3 công vườn của gia đình ông đã cho lời trên 160 triệu đồng.
Lúa, trái cây trúng mùa lại bán được giá nên ông Phát rất phấn khởi: “Vụ lúa này, tôi thu hoạch trước tết, cộng thêm các khoản thu nhập từ cây ăn trái, tôi sẽ được khoảng 40 triệu đồng ăn tết”.
Không chỉ có nông dân trồng cây ăn trái, trồng lúa phấn khởi mà những nông dân trồng màu cũng đã có được một năm thành công.
Ông Trần Văn Hiền (ở ấp Phước Hanh, xã Phước Hậu) có 5 công đất trồng rau cải. 2 vụ màu trong năm qua, bình quân một công ông thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Theo ông Hiền, thời gian qua, nhiều bà con trong xã được tập huấn trồng màu theo hướng an toàn, chi phí đầu tư giảm giúp lợi nhuận tăng lên.
“Mừng nhất là 2 năm nay chúng tôi ký hợp đồng tiêu thụ rau với các siêu thị trong và ngoài tỉnh nên đầu ra sản phẩm ổn định”- ông Hiền cho biết.
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của huyện năm nay đạt mức tăng trưởng 3,65% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý là giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp bình quân đã đạt 152 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng so với năm trước.
Trong sản xuất lúa, mô hình cánh đồng lớn không ngừng được mở rộng, người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 5,9 tấn, sản lượng lúa đạt 100.174 tấn. Tổng sản lượng rau màu đạt 67.852 tấn, sản lượng cây ăn trái đạt 67.298 tấn.
Theo Báo Vĩnh Long
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã