Sau nhiều năm vất vả mưu sinh trên đất khách quê người, một sự tình cờ đã khiến anh Đức trở về quê nhà lập nghiệp và đã thành công. Không chỉ vậy, chàng trai 30 tuổi còn giúp các bạn cùng chí hướng cùng làm giàu cho mình, cho quê hương.
Năm 2013, được biết Ban quản lý rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) cung cấp nhiều loại giống vật nuôi lạ, Đức đã lặn lội ra tận nơi để tìm hiểu rồi mua giống chim công và vịt trời về nuôi. Ban đầu, anh chỉ mua 20 con vịt trời đã trưởng thành. Nhờ có điều kiện chuồng trại, ao hồ và chăm sóc tốt nên vịt đẻ nhiều, anh cho nhân giống lên hàng trăm con.
Bỏ công nhân về làm nông dân
Chúng tôi phải hẹn mấy lần mới gặp được anh Trần Hữu Đức ở nhà, vì anh đi lại như con thoi. Khi anh xuống cửa hàng dưới TP Vinh, lúc lại đi thăm một mô hình để học hỏi thêm kinh nghiệm… Anh Đức kể, việc về quê lập nghiệp như một cái duyên. Dời quê vào Bình Dương làm công nhân được 4 năm, một buổi tối năm 2011, nằm trong phòng trọ bật tivi vợ chồng anh thấy đang trình chiếu về một mô hình trang trại gà ở Lâm Đồng. 2 vợ chồng trăn trở vùng quê Đô Lương cũng đất rộng, núi đồi như Lâm Đồng, sao không làm trang trại mà phải vất vưởng tha phương cầu thực. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy tính, 2 vợ chồng Đức quyết định bỏ làm công nhân, về quê.
4 năm làm công nhân xa quê, 2 vợ chồng anh tích cóp được 50 triệu đồng. Về quê, bố mẹ Đức cho vợ chồng anh mượn 3ha đất đồi ở xóm 7, xã Thuận Sơn đang trồng keo để làm trang trại. Vay mượn thêm tiền của người thân, bạn bè, vợ chồng anh dựng trại và nuôi 500 con gà lai chọi lấy thịt. Vì chưa có kiến thức về gà, sau khi kết thúc công việc ở chuồng trại, buổi tối rảnh rỗi anh lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh…
Sau 4 tháng, lứa gà đầu tiên xuất chuồng, lãi ròng 30 triệu đồng. Có động lực, anh tiếp tục đầu tư nuôi lên 1.000 con gà thịt. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau cả ngàn con gà lăn đùng ra chết vì dịch bệnh. “Khi nhìn đàn gà cả ngàn con chết, vợ chồng em nản thật sự. Nhưng nghĩ mới bước đầu gặp thất bại đã nản thì… mất khí thế quá. Thua keo này ta bày keo khác, cứ cố gắng sẽ có cửa ra” - Đức tâm sự.
Năm 2013, được biết Ban quản lý rừng Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) cung cấp nhiều loại giống vật nuôi lạ, Đức đã lặn lội ra tận nơi để tìm hiểu rồi mua giống chim công và vịt trời về nuôi. Ban đầu, anh chỉ mua 20 con vịt trời đã trưởng thành. Nhờ có điều kiện chuồng trại, ao hồ và chăm sóc tốt nên vịt đẻ nhiều, anh cho nhân giống lên hàng trăm con.
Thời điểm đó, mỗi con vịt khoảng hơn 1kg nhưng bán tại chuồng có giá tới 300.000 đồng, trứng vịt để ấp lấy giống bán 100.000 đồng/quả. Chỉ sau một thời gian, với hơn 5.000 con vịt trời đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho vợ chồng Đức. Cùng với vịt trời, vợ chồng anh tiếp tục nuôi gà cỏ lai chọi. Rút kinh nghiệm từ lứa gà thất bại trước, anh đầu tư, tìm hiểu kỹ về cách phòng dịch trước khi nuôi.
Anh xây thêm 5 khu chuồng trại nằm tách biệt và mở rộng quy mô nuôi lên 15.000 con gà. Để gà có chất lượng thịt ngon, tạo được uy tín, anh nuôi kết hợp kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm truyền thống của người địa phương. Những lứa gà xuất chuồng của anh được thị trường ưa chuộng và dần dần người ở nhiều nơi, rồi các doanh nghiệp, nhà hàng tìm đến đặt hàng trực tiếp.
Giúp bạn lập nghiệp
Giúp bạn lập nghiệp
Đến nay, từ 3ha ban đầu, anh Đức mua thêm 7ha đất đồi trọc để tăng quy mô nuôi gà lên 20.000 con. Mỗi năm chăn nuôi gà đã mang lại cho vợ chồng anh trên 5 tỷ đồng. Ngoài khu đất đồi nuôi gà, Đức còn thuê hồ tự nhiên của xã để nuôi cá. Anh tâm sự: “Thành công của em có yếu tố may mắn. Nhưng em nghĩ điều quyết định là ở niềm đam mê nuôi trồng. Cho nên, dù thất bại nhưng em vẫn không nản, vẫn quyết tâm làm ắt thành công”.
Không chỉ làm giàu cho mình, 2 năm nay Đức còn giúp các bạn thanh niên cùng địa bàn lập nghiệp. Anh lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp với 41 thành viên là các thanh niên lập nghiệp theo mô hình chăn nuôi gia đình, trang trại. Các thành viên được Đức hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ việc lập câu lạc bộ, Đức lại nảy ra ý tưởng thực hiện mô hình nông nghiệp sạch, khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.
Ý tưởng này đã nhận được giải thưởng Ý tưởng khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Nghệ An. Sau đó, được sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, Đức đã cùng 15 thanh niên thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch cung ứng nông sản sạch ra thị trường. Ngoài các sản phẩm từ trang trại của Đức và các thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp, hợp tác xã còn chủ động liên kết với các trang trại khác ở Nghệ An cùng tạo ra chuỗi sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Đức kể: “Nhiều người mua gà của bọn em về ăn, hôm sau đến hỏi sao gà ngon mà lại rẻ thế, có sạch thật không? Họ đâu biết, giá gà bán tại cửa hàng bọn em lấy ngang như giá sỉ tại chuồng”.
Nhờ thành tích lập nghiệp và giúp bạn cùng lập nghiệp, Trần Hữu Đức đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của huyện Đô Lương, UBND tỉnh, Hội kinh tế trang trại tỉnh, Tỉnh đoàn, Trung ương đoàn; từng được bình chọn là gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Nghệ An, vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 10, tham dự đại hội thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An năm 2015, đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2, được tặng thưởng bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ…