Chia sẻ về quyết định lập nghiệp trên vùng đất Sa Pả, Sa Pa, anh Bùi Trọng Trung cho biết, trước khi lên đây anh đã từng làm cán bộ kỹ thuật của một doanh nghiệp ở quê nhà. Trong một lần người anh họ có mời anh lên Sa Pa để cùng làm nông nghiệp và anh đã quyết tâm đi, nhưng sau 2 năm, công việc của công ty làm ăn không hiệu quả, vì vậy anh đã tự lựa chọn hướng đi cho mình.
Anh Trung vẫn nhớ thời kỳ khó khăn lớn nhất khi anh đứng ra làm riêng là “lúc đó tôi chưa biết bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì, thời điểm đó tôi chỉ nghĩ rằng mình vốn xuất thân từ nông dân những công việc như trồng rau, cuốc đất không lạ lẫm gì. Tuy nhiên, để có công việc ổn định và làm nông nghiệp theo hướng phát triển mới, thực sự hiệu quả tôi chưa hình dung mình phải những làm gì?”
“Nghĩ là như vậy nhưng khi bắt tay vào làm tôi nhận thấy nơi đây có rất nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là khí hậu, mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho làm nông nghiệp. Thời gian đầu, tôi thuê lại vùng đất sản xuất không hiệu quả của công ty cũ để trồng rau theo cách làm truyền thống, đồng thời, bằng kiến thức kỹ thuật tích luỹ được tôi tự tìm cách dẫn các nguồn nước và sử dụng các giống rau truyền thống của địa phương để trồng như: bắp cải, su hào, cải thảo, cải xoong. Bởi có đủ nguồn nước tưới nên các giống rau phát triển tốt, năng suất và chất lượng khá cao. Từ đó, người dân trong vùng thấy gia đình tôi sản phẩm thu được khá nhiều nên thường xuyên đến học hỏi và rất tin tưởng vào cách làm của tôi”, anh Trung chia sẻ.
Anh Trung cho biết, trong quá trình sản xuất, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều, nhất là tại các thành phố, đô thị lớn, người tiêu dùng vẫn tiếp tục “khát” sản phẩm rau sạch, an toàn. Mặt khác, diện tích trồng rau của gia đình anh lại hạn hẹp, quỹ đất không có nhiều, trong khi đó các hộ dân xung quanh trong vùng đất đai hoang hóa rất nhiều bởi cách thức canh tác đồng bào nơi đây thường phụ thuộc vào thiên nhiên và chỉ canh tác trên những vùng đất thuận lợi có nước, đất đai màu mỡ, do vậy hiệu quả sản xuất không cao.
Anh Bùi Trọng Trung tâm sự: “Lúc đó tôi nghĩ nếu một mình đứng ra làm không đủ sức và không có đất để phát triển sản xuất, vì vậy, sau thời gian suy nghĩ, năm 2012, tôi đã quyết định thành lập Hợp tác xã Mai Anh cùng với 5 thành viên trong xã với diện tích đất trồng rau ban đầu là 5 ha”.
Anh Trung cho biết, Hợp tác xã (HTX) ra đời hoạt động bằng hình thức góp đất, góp công cùng sản xuất theo phương án chung. Khi đến vụ thu hoạch rau, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trả đầy đủ tiền bán rau cho thành viên sau khi trừ các chi phí dịch vụ đầu vào… vì vậy, người dân trong vùng tin tưởng và tham gia thành viên HTX ngày càng nhiều. Đặc biệt, các giống rau truyền thống được Hợp tác xã lựa chọn như bắp cải, su hào, cải thảo, cải xoong, những giống rau này có ưu điểm là được người dân địa phương trồng nhiều năm nay, là giống rau truyền thống, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này, vì vậy người dân canh tác có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với người tiêu dùng nên rất được ưa chuộng trên thị trường.
Một diện tích rau an toàn của Hợp tác xã Mai Anh
Anh Bùi Trọng Trung chia sẻ, năm 2014 là năm quan trọng với Hợp tác xã Mai Anh, bởi năm đó Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai thực hiện mô hình liên kết sản xuất chuỗi rau ôn đới tại Sa Pa. Đây là mô hình mang tính quyết định giúp Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh hoàn thiện mô hình sản xuất hàng hoá theo tiêu chuẩn VietGap cho sản phẩm rau xanh.
Thành công bước đầu này đã giúp HTX Mai Anh thuận lợi hơn trong việc mở rộng quy mô sản xuất khi nhiều nông dân địa phương tình nguyện góp đất, xin tham gia hợp tác xã. Sau 3 năm đi vào hoạt động, diện tích rau của Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh đã mở rộng lên 40 ha với sự tham gia của 53 xã viên với các sản phẩm đa dạng, sản phẩm trung bình một năm của hợp tác xã là hơn 1 vạn bông hoa và khoảng chục tấn các loại rau. Trong 3 năm gần đây nhất (2014 – 2016), doanh thu dao động khoảng 1 – 2 tỷ đồng, thu nhập mỗi hộ thành viên khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi có dịp đến vùng sản xuất rau của Hợp tác xã Mai Anh cùng với anh Vương Tiến Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, nghe anh kể chúng tôi được biết HTX Mai Anh nằm trong số 15 HTX toàn tỉnh đang được các cấp ngành và trực tiếp là Liên minh HTX tỉnh Lào Cai hỗ trợ xây dựng “điểm” mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa ở Lào Cai và ở vùng Tây Bắc.
Điều đáng mừng mà Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Lào Cai chia sẻ là: “Từ khi đi vào hoạt động, đến nay, Hợp tác xã Mai Anh đã góp phần thay đổi thói quen canh tác của phần lớn người dân quanh vùng. Khi chưa ra đời HTX Mai Anh, hầu như ruộng nương chưa có rau. Hiện nay, HTX đã trở thành đơn vị tiên phong dẫn đường cho không ít hộ dân ở xã Sa Pả và nhiều xã lân cận chuyển sang làm rau và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, từ đó đã tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nơi đây.”
“Đây là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp của Lào Cai và huyện Sa Pa nỗ lực hình thành thêm nhiều vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững”, anh Vương Tiến Sĩ nói.
Nắm bắt chủ trương của tỉnh Lào Cai về việc khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tới, anh Trung vui mừng tâm sự: “Hiện HTX Mai Anh đang tích cực đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà lưới, đồng thời tuyên truyền cho xã viên chuẩn bị các điều kiện để bước vào một quy trình sản xuất khắt khe hơn. Bởi, trước đây nhiều đơn đặt hàng cung cấp rau cho các siêu thị có tiếng tại Hà Nội nhưng không dám nhận, vì khi đó sản phẩm rau của hợp tác xã chưa đáp ứng đủ điều kiện về nhãn hiệu sản phẩm để có mặt trong siêu thị. Nhưng đến nay, mọi chuyện đã khác, HTX Mai Anh sẵn sàng nhận các đơn hàng của những siêu thị lớn trong nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường ngoài nước…”./.