Hiện toàn huyện Cái Nước có hơn 2.100 ha ao đầm tôm nuôi công nghiệp, trong đó có 50% diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng, số còn lại được bà con nông dân thả nuôi tôm sú. Điểm nổi bật của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất cao và thời gian cho thu hoạch ngắn, nên được nhiều bà con nông dân chọn đối tượng này thả nuôi.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là do tập tính tôm thẻ chân trắng thường xuyên đào bới đáy ao, dẫn đến sau một thời gian thả nuôi nguồn nước trong ao đầm bị đục, làm cho môi trường bị biến động, tiềm ẩn xảy ra rủi ro thiệt hại.
Để khắc phục hạn chế đó, thời gian gần đây, một số hộ dân có điều kiện đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng mua tấm bạt chuyên dùng về trải cho ao đầm nuôi tôm công nghiệp. Còn đối với những hộ dân mới bước vào nghề, vốn đầu tư còn hạn chế nên không thể áp dụng theo hình thức này. Đây là vấn đề hết sức trăn trở lớn đối với nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ở huyện Cái Nước, trong đó có xã viên Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm công nghiệp năng suất cao xã Tân Hưng.
Vậy là anh Huỳnh Diện, Chủ nhiệm HTX, nảy ra ý tưởng dùng lưới mành thay thế cho bạt chuyên dùng để trải xuống ao đầm tôm công nghiệp. Sáng kiến này được anh Nguyễn Văn Dương, xã viên HTX, áp dụng thí điểm. Với diện tích ao nuôi tôm thẻ chân trắng 1.600 m2, tiền trải lưới mành tính ra giảm khoảng 1/3 chi phí so với sử dụng bạt chuyên dùng.
Không dừng lại đó, anh Dương còn áp dụng hình thức thả tôm nuôi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, anh thả nuôi trong diện tích 200 m2, sau gần 1 tháng anh chuyển tôm nuôi xuống ao trải lưới mành, mật độ thả nuôi lên đến 150 con/m2, cao hơn gấp 3 lần so với ao đất. Kết quả gần 3 tháng chăm sóc, tỷ lệ tôm nuôi đạt đầu con khá cao, trọng lượng trung bình 40 con/kg và cho thu hoạch được hơn 4 tấn, trừ chi phí có lãi trên 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Dương cho biết, nhờ trải lưới mành mà tôm thẻ chân trắng sau khi thả nuôi không đào bới được đáy ao, nên môi trường nguồn nước trong ao đầm tôm công nghiệp luôn ổn định và không bị đục, tôm nuôi phát triển nhanh tiết kiệm được chi phí xử lý môi trường.
Anh Huỳnh Diện chia sẻ: "Thành công của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao trải lưới mành đã mở ra một hướng đi mới cho HTX. Tôi khuyến cáo xã viên nào có điều kiện thì sử dụng bạt chuyên dùng để trải cho ao đầm tôm công nghiệp và nuôi theo quy trình Biofloc. Còn những hộ vốn đầu tư còn hạn chế áp dụng trải lưới mành cho ao đầm tôm công nghiệp, giống như mô hình của anh Nguyễn Văn Dương đã áp dụng thành công và hiện đã có 4 xã viên áp dụng thành công".
Đề cập đến thành công của mô hình nuôi tôm công nghiệp trong ao trải lưới mành, ông Nguyễn Trúc Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, phấn khởi cho biết: "Đây là cách làm mới cho kết quả hết sức khả quan, mô hình đang được nhân rộng tại xã Hoà Mỹ và Hưng Mỹ. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 200 triệu đồng, phần còn lại hộ dân đối ứng và hiện đang trong giai đoạn cải tạo ao đầm".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã