Sau đợt thu hoạch giữa năm nay, ngồi trong ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi, ông Bùi Văn Khắp, xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An hồ hởi kể về cây chanh: Nhờ trái chanh được giá, liên tục 4 năm qua cuộc sống bà con nông dân trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Từ vùng đất khô cằn, phèn chua, không thể nuôi trồng gì, sau gần 30 năm đã trở nên xanh tốt nhờ những vườn cây trái xanh um bạt ngàn. Việc chọn đúng cây chanh cho vùng đất này đã tạo thêm động lực giúp gia đình ông bám trụ cho đến hôm nay.
Trái chanh tươi trúng giá sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông Khắp lãi từ 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng/ha tùy năm, đủ để tích lũy xây dựng nhà mới, mua thêm đất canh tác. Với 2 ha ban đầu đến nay gia đình ông Khắp đã mở rộng trên 13 ha cây chanh.
“Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, từ ngày trồng chanh đã thoát nghèo. Thực tế ai cũng thấy mình đã có cơ ngơi, nhà cửa xe cộ, mua thêm được đất đai, lo con em ăn học đến nơi đến chốn. Trước đây mấy anh em canh tác chỉ có mười mấy ha nay cả xã đã phát triển được hơn 200 ha chanh rồi” – ông Khắp nói.
Gia đình ông Châu Văn Vết ở huyện Thạnh Hóa cũng rất phấn khởi khi bàn về chuyện trồng chanh, giá chanh. Với giá từ 9 đến 13 ngàn đồng/kg, hơn 4 ha chanh qua 2 đợt thu hoạch đã mang về cho gia đình ông Vết thu nhập từ 300 đến hơn 800 triệu đồng. Cuộc sống gia đình ông Vết khấm khá hẳn lên.
Hiện nay, cả 4 người con của ông Vết đều nối nghiệp trồng chanh, mua thêm đất và đầu tư hệ thống quả lý trang trại công nghệ cao vận hành bằng phần mềm trên điện thoại di động. Điều đáng quý là ông Vết còn hướng dẫn những hộ dân khác kỹ thuật trồng chanh và xây dựng thương hiệu cho trái chanh tươi của địa phương mình.
“Từ khi được sự hỗ trợ của xã huyện cho đổi từ đất làm lúa sang trồng chanh đầu tiên bà con như chúng tôi đời sống vươn lên rõ nét. Nhà của mình làm khanh trang hết rồi, xây nhà cả tỷ đồng” – ông Vết nói.
Cả huyện Thạnh Hóa có gần 180 hộ nông dân trồng hơn 300 ha cây chanh. Những năm gần đây, sản lượng chanh trái tươi của Thạnh Hóa luôn đạt trên 2.500 tấn/năm, trở thành 1 trong 3 loại cây chủ lực của địa phương. Cây chanh không chỉ mang đến đời sống sung túc cho nông dân mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động nhàn rỗi của huyện cũng như nhiều địa phương lân cận. Nghề trồng chanh phát triển bước đầu đã kéo theo một loạt các hoạt động kinh tế, dịch vụ công nghiệp phát triển theo.
Kể từ 1/7 tới đây, công ty Gapfood Hậu Giang sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của thành viên hợp tác xã Thuận Bình trong vòng 5 năm. Đồng thời đầu tư nguồn vốn và quy trình sản xuất cho 40 ha cây chanh theo tiêu chuẩn Lobalgap để xuất khẩu thị trường khó tính khác.
“Do điều kiện ngân sách của huyện còn khó khăn, một huyện nghèo nằm trong vùng Đồng Tháp Mười do đó cũng mong có được vốn đầu tư cho hợp tác xã phát triển hệ thống sơ chế, quản lý kho bãi để đảm bảo được chất lượng trái chanh đi ra thị trường ổn định vền vững” - bà Mã Thanh Điền, Phó phòng nông nghiệp huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đề nghị.
Để sản xuất trái chanh tươi phát triển bền vững, tỉnh Long An đang thực hiện Đề án quy hoạch vùng trồng 10.000 ha cây chanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang đầu tư nghiên cứu thêm nhiều giống chanh mới sạch bệnh, khuyến khích nông dân tham gia vào các hợp tác xã để sản xuất quy mô lớn, mở ra hướng đi lâu dài.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang kết nối với Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Group Miền Nam để tiến hành sơ chế, xử lý trái chanh và một số loại trái cây khác nhằm đảm bảo đầu ra cũng như mở rộng diện tích cây trồng.
Cây chanh làm đổi đời cả một vùng biên vốn khó khăn của tỉnh Long An đang được đầu tư xây dựng hứa hẹn về một thương hiệu nông sản Việt Nam không chỉ có chỗ đứng trong nước mà vươn ra khẳng định chất lượng trên thế giới.
Theo Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã