Làm giàu nơi quê nhà
Sáng 25/8, chúng tôi tìm đến trang trại trồng nấm bào ngư của anh Trần Tuấn Vũ. Cơ sở nằm sâu trong con đường ngoằn ngoèo, cách trung tâm thành phố gần 20 km. Anh Vũ đang loay hoay thu hoạch nấm bên trong. Quãng chừng dăm bảy phút, chuông điện thoại lại reo lên, nói chuyện xong, anh cho biết: Mấy ngày nay nhiều khách hàng gọi điện đến đặt hàng nhưng không đủ giao mà chủ yếu giao cho khách hàng quen. Sáng sớm đã đi giao cho mối ở chợ một đợt rồi, giờ hái chuẩn bị để trưa giao tiếp.
Anh Vũ kể, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2011, anh viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự và được phân công ở Đội đặc nhiệm, thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam bộ đóng tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đến đầu năm 2014 hoàn thành nghĩa vụ trở về nhà. Thay vì đi học nghề hay vác đơn đi xin việc để lãnh lương tháng, anh chọn con đường đi riêng cho bản thân mình bằng cách mở trang trại trồng nấm bào ngư tại nhà để vừa tiện chăm sóc cha mẹ già và làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra. Anh là con út trong gia đình 5 anh em, các anh chị đã có gia đình và ở riêng.
Thời gian đầu anh học kinh nghiệm trồng nấm từ người quen ở Sóc Trăng và nhiều người có kinh nghiệm khác. Đồng thời, anh nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng về loại nấm bào ngư. Tháng 7/2014, từ số tiền nhà nước hỗ trợ đi nghĩa vụ được 21 triệu đồng và anh vay mượn thêm hơn 40 triệu đồng nữa để xây dựng trang trại diện tích gần 150 m2 và mua 4.000 phôi giống sản xuất.
Sản xuất sạch
Anh Vũ cho biết, thời gian từ lúc mua phôi về sản xuất đến thu hoạch là khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, loại nấm này quy trình sản xuất rất khắt khe, phải làm theo quy trình khép kín không để côn trùng từ bên ngoài xâm nhập vào. Bên trong cơ sở không hút thuốc vì khói sẽ làm thối nấm. Hơn nữa, loại này rất dễ bị sâu ăn nhưng không được sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo sản phẩm sạch. Vì thế, để hạn chế tối đa tác hại, anh dùng thiên địch đối phó sâu bằng cách cho nhện sinh sản tự nhiên bên trong trang trại để nhện tìm ăn các loại sâu khi chúng tấn công nấm.
Về kinh nghiệm trồng nấm đạt năng suất cao, anh Vũ tâm sự: “Ngoài việc chọn mua phôi giống chất lượng, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo 2 yếu tố là nhiệt độ từ 20 đến dưới 300C còn độ ẩm khoảng 90% thì nấm mới phát triển tốt”. Theo kinh nghiệm làm nấm ít tốn diện tích của anh Vũ, thay vì phải làm kệ anh dùng sợi dây treo lơ lửng trên trần nhà, mỗi sợi dây treo hơn 20 bịch phôi giống, mỗi ngày tưới 3 – 4 lần. Về đầu ra sản phẩm, anh Vũ cho biết, khó khăn lúc đầu do ở đây ít người biết đến loại nấm này mà họ quen với nấm rơm truyền thống. Hơn nữa nấm bào ngư đắt tiền hơn nên người dân nông thôn không lựa chọn. Hiện khách hàng đã biết đến nhiều nên không cần phải lo đầu ra. Mỗi ngày sản xuất ra không đủ để cung cấp cho khách hàng.
Hiện tại, trang trại của anh mỗi ngày bán từ 15 – 20 kg, cao điểm 40 kg nấm bào ngư với giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, một năm lãi gần 100 triệu đồng. Anh Vũ cho biết, sắp tới sẽ mở rộng diện tích gấp đôi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Vũ còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất cho thanh niên địa phương khi có người nhờ.
Chị Trịnh Ngọc Bích, Bí thư Đoàn phường Thường Thạnh cho biết, anh Vũ là thanh niên có chí cầu tiến, đam mê nghiên cứu và có tính sáng tạo trong sản xuất. Trong phong trào Đoàn, anh luôn tích cực tham gia. Còn anh Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ đánh giá, mô hình trồng nấm bào ngư của anh Vũ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và phù hợp với điều kiện phát triển ở nông thôn. Thành Đoàn sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện để mô hình này phát triển hơn nữa nhằm tạo công ăn việc làm cho đoàn viên thanh niên và giúp vươn lên làm giàu. Đồng thời, giới thiệu thanh niên khác đến tham quan, học hỏi.
theo tienphong
Hiện tại, trang trại của anh Trần Tuấn Vũ mỗi ngày bán từ 15 – 20 kg, cao điểm là 40 kg nấm bào ngư với giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí, một năm lãi gần 100 triệu đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã