Dẫn chúng tôi về thăm trang trại của Sơn, chị Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Bí thư huyện Đoàn Phù Mỹ, phấn khởi khoe: Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của Sơn là mô hình kinh tế mới nhưng rất hiệu quả. Cả huyện Phù Mỹ này nhiều mô hình kinh tế, nhưng nghe làm giàu với heo gà lợn vịt chứ ít ai lại cả gan dồn vốn đầu tư nuôi chim bồ câu.
Ở cái làng Mỹ An nơi Sơn đang ở dường như ít thấy ai đột phá làm giàu. Khao khát thoát nghèo cứ đau đáu trằn trọc từng đêm mất ngủ. Nhìn thấy đàn bồ câu của ba, Sơn nghĩ ngay tới việc nuôi bồ câu theo kiểu công nghiệp rồi xuất bán. Nhiều người gạt đi, người ta lâu nay quan tâm đến lúa gạo, gà heo chứ nuôi chim rồi đem bán cho ai? “Nhưng rồi em nghĩ nếu không dám thử sẽ không bao giờ thành công. Cứ tự cho mình những thử thách để tích lũy kinh nghiệm lâu dài”, Sơn chia sẻ.
Năm 2008, Sơn bắt đầu ý tưởng với 30 cặp bồ câu Pháp thuần, to con, khỏe mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng, cũng chính năm đó đàn bồ câu của Sơn bỗng dưng mắc bệnh, rồi chết mất nửa đàn. Tìm đến các tiệm thuốc thú y nhưng họ cũng chỉ bán thuốc chung cho gia cầm chứ không quan tâm gì đến những mô tả “luyên thuyên” của Sơn về triệu chứng của bồ câu. Từ đó, Sơn lùng sục tìm đọc các sách, báo, tìm đến những chủ trang trại bồ câu khác để học hỏi. Có thêm kinh nghiệm, Sơn tự đoán biết và phòng tránh bệnh dịch cho đàn bồ câu.
Tránh những rủi ro lớn, Sơn chọn phương cách lấy ngắn nuôi dài. Khi có một số vốn nhất định sẽ “gây” đàn, mở rộng dần quy mô. Hiện, trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của Sơn đã có 300 cặp bồ câu, cung cấp thịt và trứng. “Khó nhất là khâu tìm thị trường tiêu thụ. Ban đầu họ chưa biết đến mình nên “ngại” đặt hàng, hơn nữa họ cũng có nhiều chọn lựa từ các mối khác, quan trọng nhất vẫn là chữ tín” - Sơn nói. Để làm được điều đó, anh không ngại ngần nhảy tàu đi Đà Nẵng, Sài Gòn… tìm đến tận nơi các địa chỉ có nhu cầu. Giờ thì bạn hàng tương đối ổn định, nhiều người còn tìm về tận nhà để mua, Sơn tính sẽ mở rộng trang trại bằng cả vốn của mình và tiếp cận vốn từ Đoàn hỗ trợ.