Khi chín, trái màu vàng tươi, vỏ mỏng, phủ lớp phấn trắng mịn, có đốm nhỏ, màu nâu đen, đốm dạng tròn; thịt trái màu vàng tươi, dày, độ chắc thịt cao, mịn, dẻo, ít nước, ít xơ.
Trái có vị rất ngọt, mùi thơm dịu đặc trưng. Nguồn gốc của xoài cát Hòa Lộc được trồng tại làng Hòa Lộc, nay là ấp Hòa thuộc xã Hòa Hưng.
Đây là vùng đất ven sông Tiền nên tích tụ nhiều phù sa rất thích hợp cho xoài sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, một số vùng khác cũng có thổ nhưỡng phù hợp để duy trì loại xoài này là xã Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh…
Theo Ths. Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè: Xoài cát Hòa Lộc được trồng lâu đời nhất ở huyện Cái Bè.
Giống xoài này bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1939 - 1940 sau khi đoạt giải cao trong các cuộc đấu xảo, giống xoài cát này đã trở thành đặc sản quý, được dâng lên tế lễ nơi đình thần, mà di tích ngày nay là Đình thần Hòa Lộc.
Xoài cát Hòa Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý vào ngày 30-9-2009 với tên “Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc”.
Theo đó, chỉ có xoài trồng tại địa danh này mới được mang tên xoài cát Hòa Lộc. Những năm gần đây loại trái cây này đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè nói riêng và Tiền Giang nói chung.
Nhờ chất lượng ngon, hương vị đậm đà nên hiện nay giống xoài cát Hòa Lộc đang được trồng với quy mô công nghiệp.
Hiện loại trái cây đặc sản này đã mang lại nguồn thu lớn cho nông dân ở xã Hòa Hưng. Với giá trung bình từ 20.000 - 70.000 đồng/kg tùy thời điểm, mỗi ha cho giá trị từ 200 - 400 triệu đồng và là cây trồng có hiệu quả kinh tế nhất hiện nay tại xã.
Anh Huỳnh Văn Sang ở ấp Hòa có 5 công đất trồng xoài cát Hòa Lộc, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 tấn xoài thương phẩm, bán được 150 triệu đồng. Mới đây, nhờ xoài cát Hòa Lộc mà anh đã xây ngôi nhà mới trị giá 500 triệu đồng.
Hay hộ anh Trần Văn Nở ở ấp Bình trồng 108 gốc xoài cát Hòa Lộc, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Hòa Hưng, hiện xã có khoảng 600 ha trồng xoài cát Hòa Lộc. Năm 2012 được Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc đã tham gia mô hình sản xuất xoài cát Hòa Lộc được công nhận là mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2012 được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP 11,1 ha/19 hộ; năm 2013 được tái chứng nhận và mở rộng lên 20,73 ha/34 hộ; năm 2014 chứng nhận cho 20,1 ha/ 33 hộ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).
Được biết, xoài cát Hòa Lộc là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực được tỉnh đầu tư phát triển. Mới đây, Đề án Tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh cũng chọn trái xoài làm bước đột phá cho các loại cây trái còn lại.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh 1.600 ha, tập trung tại các xã giáp sông Tiền của huyện Cái Bè, gồm: Hòa Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Thanh, Tân Hưng, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hòa Khánh…
Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đang vươn ra thế giới, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhất.
Đặc biệt, sản phẩm này đã được xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng như: Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... Nhờ vậy, thu nhập của nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc không ngừng được nâng cao.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã