Bê tông hóa các tuyến đường đến khu sản xuất ở xã Xuân Quang 3 đã giúp người dân dễ dàng đưa máy móc lên rẫy và vận chuyển nông sản - Ảnh: MINH DUYÊN
Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: Hệ thống giao thông trên địa bàn xã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu dân sinh. Các tuyến đường nội đồng, đường làng, ngõ xóm được xây mới, sửa chữa thường xuyên. Đặc biệt đã đầu tư mở mới hơn 4km đường vào khu sản xuất ở các thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và vận chuyển nông sản.
Trên hầu hết các tuyến đường chính, hệ thống điện chiếu sáng cũng đã được lắp đặt với tổng chiều dài trên 4.320m. Hạ tầng thủy lợi với hệ thống kênh mương có chiều dài 23,857km được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hàng năm đảm bảo nước tưới cho sản xuất lúa 2 vụ và các loại cây màu khác. Chợ trung tâm xã tại thôn Phước Lộc, diện tích 5.729,5m2, có đủ các hạng mục công trình là nơi để người dân trao đổi buôn bán các sản phẩm nông sản, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Yên ở thôn Thạnh Đức, cho biết: Hơn 1 năm trước, đường bê tông trong xóm được làm tôi đã thấy phấn khởi vì từ giờ không còn lo mưa gió đường lầy lội hay mỗi lần đi về lúc trời tối. Sang tới năm nay, đường lên rẫy cũng được bê tông hóa thì càng vui gấp bội. Sản xuất bây giờ nhàn rồi, có thể đi xe máy tới tận nơi, không phải đi bộ như trước nữa.
Trong phát triển kinh tế, xã Xuân Quang 3 lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm kết hợp với khuyến khích lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Minh cho biết thêm: UBND xã thực hiện việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nhân rộng nhiều mô hình thâm canh tăng năng suất; đồng thời triển khai sản xuất tập trung để thuận tiện trong việc canh tác, thu hoạch. Đối với diện tích lúa 2 vụ thiếu nước tưới, địa phương chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như dưa hấu, bắp và các loại đậu…
Cùng với đó, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân phát triển, chú trọng thu hút đầu tư và hình thành các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ mới… Nhờ đó, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, nâng thu nhập bình quân 27,95 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã từ trên 10% giảm còn 9,19 %...
Theo bà Nguyễn Thị Ái ở thôn Phước Lộc, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ trong mô hình nông lâm kết hợp, tôi đã về triển khai trên diện tích 2ha của gia đình. Sau 1 năm thu lãi 90 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với làm cách cũ.
Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016-2018, cán bộ và nhân dân xã Xuân Quang 3 vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen. Ghi nhận lớn nhất ở địa phương này, tuy là một xã miền núi khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi nhưng bà con rất nhiệt tình hưởng ứng.
Người dân cùng với chính quyền xã triển khai có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhờ đó sản xuất ngày càng tạo ra giá trị kinh tế cao. Người dân cũng đóng góp kinh phí cao hơn sự hỗ trợ từ ngân sách xã, ngân sách huyện và ngân sách tỉnh. Chính sự đồng thuận của người dân và sự tích cực của cán bộ xã đã tạo nên thành công này cho địa phương.
Theo Bạch Vân/Báo Phú Yên.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã