Mô hình nuôi gà theo quy trình khép kín đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Phạm Văn Hùng ở xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình).
Đầu tư phát triển các mô hình kinh tế
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Quảng Bình đang quản lý, giám sát hoạt động của 876 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 31.538 hội viên tham gia. Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoàng Thị Hà cho biết, có nhiều hội viên còn khó khăn trong đời sống hàng ngày, không có công ăn việc làm ổn định, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, người dân rất cần được hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tăng cường hoạt động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để hỗ trợ hội viên.
Hiện tại, các cấp Hội đang quản lý nguồn vốn ủy thác hơn 1.326 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Giai đoạn 2014 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Bình giảm từ 8,7% xuống còn 4,98%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 18,24% xuống còn 6,67%.
Anh Phạm Văn Hùng ở thôn Tam Đa (xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa) cho biết, để cải thiện cuộc sống gia đình, thông qua Hội Nông dân xã, anh mạnh dạn vay 70 triệu đồng từ NHCSXH để xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo quy trình khép kín. Với những kiến thức tiếp thu được qua các lớp tập huấn cộng với đi tham quan, học hỏi ở nhiều nơi, anh đã đầu tư trang trại để nuôi gà. Hiện tại, trang trại của anh đang nuôi 6.000 con gà. Mỗi năm, trừ chi phí, thu về hơn 200 triệu đồng.
Gia đình chị Phạm Thị Hương ở phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) cũng là điển hình thoát nghèo, vươn lên khá - giàu nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Năm 2019, gia đình chị vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện để đầu tư, cải tạo 2 hồ nuôi tôm với diện tích 5ha. Hiện tại, hồ tôm của gia đình chị nuôi hơn 8.000 con tôm, trừ chi phí, thu lãi gần 150 triệu đồng/năm.
“Làm kinh tế thì vốn bao nhiêu cũng không đủ, dù ít hay nhiều thì nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã kịp thời giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Nếu không có nguồn vốn ban đầu này, tôi khó gây dựng được mô hình kinh tế ổn định như bây giờ”, chị Hương chia sẻ.
Đảm bảo chất lượng nguồn vốn
Để hỗ trợ cho các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, từ năm 2014 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức 5.328 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 329.000 lượt hội viên; xây dựng mới 442 mô hình về chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề dịch vụ; tổ chức 54 lớp tập huấn về mô hình kinh tế tập thể, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho 560 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Nhiều mô hình, dự án vay vốn tín dụng ủy thác đã phát huy được hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tiêu biểu, như: dự án “Chăn nuôi lợn sinh sản” ở xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh); “Trồng keo tràm lấy gỗ” ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới); “Mua ngư lưới cụ đánh bắt hải sản” ở xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)…
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn phân công cán bộ có năng lực thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; chủ động phối hợp với cán bộ tín dụng NHCSXH cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Đồng thời, chủ động tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội viên vay vốn tín dụng chính sách. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn vay và thực hiện trả nợ của nông dân được nâng lên, góp phần bảo đảm chất lượng nguồn vốn của Nhà nước.
Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm truyền tải đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách; tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động ủy thác cho vay và kiểm tra, giám sát, bảo đảm nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; kịp thời biểu dương những điển hình trong tổ chức thực hiện ủy thác, sử dụng vốn vay.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả… giúp các hộ dân từng bước thoát nghèo, phát triển sản xuất kinh doanh..
Năm 2019, vốn tín dụng chính sách của NHCSXH Quảng Bình đã góp phần giúp cho hơn 12 ngàn hộ thoát ngưỡng nghèo, cận nghèo; 69,9 ngàn hộ có đời sống cải thiện hơn trước; giúp cho 33,5 ngàn hộ vay vốn tuy chưa thoát nghèo, thoát cận nghèo nhưng có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; góp phần tạo việc làm cho 6.122 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm; giúp cho 186 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 19.255 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 416 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, phòng tránh bão lũ...
Nguồn tin: Kinh tê nông thôn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã