Nhiều sản phẩm thế mạnh
Tỉnh Bắc Kạn có nhiều loại trái cây đặc hữu đang được thị trường ưa chuộng như cam, quýt, hồng không hạt, mơ... Đây đều là những sản phẩm thế mạnh có tiềm năng mang lại giá trị cao, có thể phát triển để tạo thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường.
Nổi danh trên thị trường từ nhiều năm nay, cam, quýt đã trở thành hàng hóa chủ lực của tỉnh. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm quýt Bắc Kạn. Vùng chỉ dẫn địa lý bao gồm 12 xã của huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể.
Xã Dương Phong là một trong những địa phương được triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học |
Từ chỗ trồng nhỏ lẻ, rải rác, thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất sang canh tác cây ăn quả có múi. Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có hơn 1.200 ha cây ăn quả có múi thì đến nay, diện tích cam, quýt có khoảng 1.772 ha, trong đó có 43 ha đạt chuẩn theo quy trình VietGAP. Với sản lượng 450 tấn/năm, cây trồng này đã làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Cây cam, quýt mang lại giá trị kinh tế trung bình trên 200 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã còn sản xuất các loại tinh dầu từ quýt, nước quýt… chất lượng sản phẩm đạt 3 sao OCOP, qua đó đã góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Cũng được xác định là sản phẩm chủ lực, cây hồng không hạt được trồng nhiều tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 ha hồng không hạt, diện tích cho thu hoạch gần 500 ha, sản lượng ước đạt hơn 2.200 tấn. Hồng không hạt Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2010, được định hướng phát triển mở rộng diện tích, tăng năng suất chất lượng để trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương và các hộ nông dân trong tỉnh.
Sau khi được công nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn. Năm 2019, Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt Bắc Kạn cũng đã được tỉnh Bắc Kạn tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã. Sản phẩm OCOP này đã có bước tiến xa trên thị trường khi đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tại thành phố lớn.
Cùng với các loại cây ăn quả trên, mơ vàng cũng là loại cây bản địa tiềm năng của Bắc Kạn. Những năm gần đây, với sự “bắt tay” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của tỉnh, cây mơ vàng đang đem lại thu nhập khá cho người nông dân Bắc Kạn. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở một số huyện thuộc tỉnh Bắc Kạn như Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn…với diện tích hiện nay khoảng 257 ha.
Tuy nhiên, một phần diện tích cây mơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được trồng cách đây 20 - 25 năm do không được chăm sóc thường xuyên nên bị già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp, khiến bà con không còn “mặn mà” trồng mơ như trước. Để cải tạo vườn mơ già cỗi, từ tháng 01/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây đã triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Kạn".
Cây mơ sau khi được áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật như cắt tỉa, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với tự nhiên, năng suất tăng từ 1 - 1,5 lần so với vườn không được chăm sóc cải tạo, chất lượng, mẫu mã quả to, đều, đẹp hơn. Giá bán quả mơ cũng đã được nâng lên, bình quân đạt từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg. Nguồn thu nhập ổn định từ cây mơ bước đầu đã giúp người dân thay đổi nhận thức và tạo ra những hiệu quả tích cực cho quả mơ vàng. Vụ mơ năm 2021 vừa qua tiếp tục là một mùa thắng lợi, được mùa, được giá.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với người nông dân để chế biến ra các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như: Nước giải khát, rượu mơ, ô mai... Từ 2018, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã triển khai thu mua, chế biến nông sản, trong đó có quả mơ. Những năm gần đây, Công ty Misaki đã bao tiêu sản phẩm quả mơ với sản lượng trên 1.000 tấn. Sản phẩm sau chế biến là mơ muối được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ảnh công nhân chế biến sản phẩm quả mơ của Công ty Misaki |
Các cây trồng thế mạnh của tỉnh được chú trọng phát triển, thương hiệu đã vươn xa hơn trên thị trường, trở thành hàng hóa uy tín giúp người dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương. Bên cạnh phát triển diện tích, quy hoạch vùng trồng, các địa phương trong tỉnh đang tập trung nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả đặc sản. Theo đó, xác định canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị cạnh tranh, giúp nông sản của tỉnh vươn ra thị trường lớn, đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế.
Phát triển để nâng cao giá trị hàng hóa
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tập trung xây dựng vùng chuyên canh, thực hiện thâm canh, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả chủ lực nổi tiếng vốn có của địa phương. Mặt khác, tích cực vận động nông dân liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp xây dựng và phát triển các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung để có thể tạo lợi thế cạnh tranh và thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo Kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, có 4.000 ha cây cam, quýt; 1.000 ha hồng không hạt; 1.000 ha cây mơ… Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cây ăn quả đặc sản để đến năm 2025, có 5.000 ha cây ăn quả đặc sản được cấp có thẩm quyền công nhận đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, trong đó có 3.750 ha đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, 1.000 ha đạt tiêu chuẩn về VietGAP, ít nhất có 250 ha được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ, phấn đấu có 1.250 ha cây ăn quả có mã vùng (truy xuất được nguồn gốc).
Để đạt được mục tiêu trên, Bắc Kạn sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ như tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình có đất đai phù hợp với phát triển cây ăn quả đặc sản, phân vùng trồng các loại cây ăn quả để có điều kiện thâm canh tăng năng suất, quy mô đủ lớn cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Cùng với đó là áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như bón phân, cắt tỉa, tạo tán, đốn phục hồi... để thâm canh, tăng năng suất đối với những diện tích cây ăn quả đặc sản hiện có và những diện tích già cỗi, thoái hóa còn có khả năng khắc phục được. Đồng thời, tập trung trồng mới, mở rộng diện tích và trồng mới thay thế những diện tích già cỗi, thoái hóa không khắc phục được, nâng cao chất lượng các loại quả đặc sản đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ…
UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp về tuyên truyền, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây ăn quả, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến. Thành lập mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và tiếp thị các sản phẩm cây ăn quả đặc sản thông qua hợp đồng tiêu thụ với các tổ chức, cá nhân, công ty có nhà máy chế biến quả, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững. Tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm như: Tham gia các hội chợ, tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp do Trung ương, các địa phương trong và ngoài nước tổ chức; tổ chức hội thi, lễ hội về các loại nông sản, tôn vinh tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong sản xuất các loại nông sản có năng suất, giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh...
Với những giải pháp được đưa ra, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực phấn đấu để nâng cao giá trị sản phẩm các loại cây ăn quả, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trung bình 3,5%/năm./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã