Mô hình trang trại của anh Đặng Văn Luân, xã Vĩnh Khúc (Văn Giang)
Đến xã Đoàn Đào (Phù Cừ), chúng tôi thật sự ấn tượng với trang trại trồng cây ăn quả, trồng hoa kết hợp với nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Văn Trưởng, người nông dân với tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Anh tâm sự: Khu đất của gia đình trước đây vốn là vùng trồng lúa nhưng đất trũng nên năng suất thấp. Tôi đã xin xã cho chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Nghĩ là làm, hàng ngày tôi đều tranh thủ sớm, tối, quyết tâm cải tạo đất xấu thành đất màu mỡ, biến tấc đất kém giá trị thành “tấc vàng”. Để cải tạo đất, anh Trưởng và gia đình đã tăng cường các loại phân bón để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo luống kết hợp đào ao thả cá để lấy nước tưới cho cây. Sau gần chục năm cần cù lao động, đến nay, gia đình anh đã sở hữu một trang trại có diện tích hơn 2 mẫu gồm 1 vườn trồng cây ăn quả, 1 vườn trồng hoa và 1 ao nuôi cá giống.
Để tận dụng diện tích đất ruộng của một số hộ dân địa phương không có điều kiện trồng lúa do đi làm xa hoặc đi làm công nhân trong các doanh nghiệp, cùng với diện tích của gia đình, anh Trưởng đã thuê thêm ruộng để trồng lúa. Với quyết tâm "bám ruộng" làm giàu, anh đã đầu tư mua sắm máy cày, máy lồng vừa phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa giảm bớt sức lao động cho người nông dân. Hàng năm, trên mảnh ruộng hơn 3 mẫu, anh đều chọn cấy những loại lúa có năng suất, chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, VNR 20… sau khi thu hoạch đều bán thóc tươi cho thương lái. Với tổng diện tích canh tác hơn 5 mẫu, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng.
Làm sao để nâng cao giá trị kinh tế, trên một đơn vị canh tác là bài toán mà anh Đặng Văn Luân, xã Vĩnh Khúc (Văn Giang) hết sức trăn trở. Bằng sự kiên trì, anh Luân đã thuyết phục được nhiều người dân trong thôn cho anh thuê lại đất để phát triển kinh tế. Có đất thôi không đủ, phải có kỹ thuật mới thành công, anh lại rong ruổi khắp các nhà vườn trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm. Thời gian đầu khi bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại, dẫu gặp không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm thoát nghèo người thanh niên 32 tuổi đã vượt lên tất cả. Có đất, kỹ thuật, kinh nghiệm lại gặp lúc nhu cầu thị trường ngày một lớn nên việc sản xuất, kinh doanh cây cảnh của anh Luân mỗi ngày một phát triển. Lợi nhuận tích luỹ được, anh tiếp tục dành mở rộng diện tích đất canh tác. Gom góp từng “mảnh”, sau hơn 6 năm, anh Luân đã biến bãi đất hoang khô cằn trở thành vườn sinh vật cảnh xanh tươi, trù phú rộng hơn 2 ha với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như cây hoa hồng cổ, cây mộc hương… Ngoài thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Luân cho biết: Với quy mô sản xuất lớn, tôi đã xây dựng hệ thống tưới nước tự động, nhà lồng để ươm cây giống, sau đó chăm sóc, tạo thế và xuất bán ra ngoài thị trường. Năm 2020, gia đình tôi xuất bán khoảng 4 nghìn cây mộc hương, 5 nghìn cây hoa nhài Nhật và hàng nghìn cây hoa hồng. Bên cạnh đó, tôi còn xây dựng chuồng trại để nuôi 1 nghìn đôi chim bồ câu Pháp, mỗi tháng xuất bán ra ngoài thị trường khoảng 700 – 800 con.
Anh Trưởng, anh Luân là những nông dân “bám đất, bám ruộng” làm giàu. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng bằng nhiệt huyết, các anh cũng như hàng vạn người nông dân xứ nhãn đang nỗ lực, phấn đấu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Để tạo điều kiện giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong quý I.2021, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 26 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho 2.212 hội viên; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại nhiều địa phương trong tỉnh đồng thời động viên hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tín chấp cho hội viên vay hơn 79,9 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện để hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 457 tấn phân bón trả chậm cho hội viên…
Với sự hỗ trợ từ các cấp Hội, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, bứt phá khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo quy mô lớn, biết sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường, nhờ vậy hiệu quả thu được không chỉ lớn hơn nhiều lần mà còn có tính bền vững.
Nguồn tin: nongthonmoihungyen.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã